60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima: Ngày thứ hai đen tối

04/08/2005 21:34 GMT+7

Ngày 6/8, Nhật Bản và thế giới kỷ niệm 60 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (6/8/1945 - 6/8/2005). 60 năm đã trôi qua, ký ức đau buồn về ngày thứ hai đen tối vẫn mãi ám ảnh tâm trí người Nhật hôm nay.

Itiro Mirimoto, một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót sau thảm họa Hiroshima  nhớ lại: "Một vầng sáng kinh dị bùng nổ trên bầu trời. Mọi người nhìn lên mà ngỡ một mặt trời thứ hai xuất hiện. Nó chói sáng không kém gì mặt trời thật, còn tôi thì thầm nghĩ có lẽ nữ thần mặt trời đã xuống giúp chúng tôi trong chiến tranh. Nhưng ngay sau đó, có cái gì đó nóng rát bao bọc quanh mình. Bóng tối tràn ngập, thân thể bắt đầu đau đớn, xung quanh tiếng than khóc kêu rống vang lên rền rĩ. Trong đêm tối, đây đó ánh lên những đốm lửa ma quái, xác người  cháy đen nằm rải rác khắp nơi. Tôi nhìn thấy hai người phụ nữ đang đi, lớp da trên mặt và cánh tay họ hoàn toàn biến dạng, chảy nhăn nheo. Quá kinh hoàng, tôi thét lên và nghĩ rằng mình sẽ chết. Sau đó tôi ngất đi".

Vào 8 giờ 15 phút ngày thứ hai, 6/8/1945, đại tá không quân Mỹ Paul Tibbets ngồi trong chiếc máy bay B29 và ra lệnh: "Bấm nút". Khoang chứa bom mở ra và Little Boy (tên trái bom nguyên tử) nặng 60 kg được thả xuống Hiroshima. Sau khi rơi được một lúc, cách mặt đất 600m, trái bom nổ tung, giết chết ngay trong phút đầu tiên 80 ngàn cư dân Hiroshima. Các chuyên gia quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ quan sát sự kiện này báo cáo: "Trái bom đã biến cả thành phố thành hoang mạc đầy bụi. Trong một thời gian ngắn tại thành phố này sẽ khó có thể tồn tại một thực thể sống nào. Không biết đến bao giờ cây cỏ sẽ mọc lại được. Nơi đây chỉ có tro bụi, chúng vẫn còn bao phủ khắp bầu trời". May mắn thay, giờ đây dự báo nêu trên của Mỹ đã không trở thành hiện thực. Hiroshima giờ đây cây xanh bao phủ, những đàn sếu bay lượn trên bầu trời, những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều: cuộc sống trở lại với nhịp điệu quen thuộc.

Một nạn nhân của trái bom nguyên tử ở Hiroshima - (ảnh: tư liệu)

Trong điêu tàn của quá khứ, chỉ còn lại ngôi nhà "mái vòm" - được một kiến trúc sư người Czech xây dựng năm 1915 là còn khá nguyên vẹn. Người Nhật đã lưu giữ nó như một chứng tích của chiến tranh. Còn tại Bảo tàng Thế giới ở Hiroshima trong cảnh tranh tối tranh sáng bao phủ người ta phục dựng lại những giây phút kinh hoàng của ngày thứ hai đen tối: trên các bức tường là hình vẽ những ngôi nhà đổ nát, dọc các hành lang là những hình người với những đôi mắt sợ hãi  đến mất trí, áo quần bốc cháy, làn da nhăn nheo chảy dài...

"Tôi đã nhiều lần chuẩn bị đến nơi này, nhưng sau đó tôi hiểu rằng, nếu đến đó thì mình sẽ chết - bà Iuriko Kuroki, năm nay 89 tuổi nói - Tôi có một đứa con đang học tại trường phổ thông. Nó đã chết ngay khi trái bom nổ, còn đứa thứ hai cũng chết hai tháng sau đó. Điều kinh hoàng nhất là lúc ấy không ai có thể hiểu được điều gì đã xảy ra. Trong bóng tối có ai đó nói: "Mặt trời rơi xuống trái đất". Và mọi người đã tin. Tôi đã thấy hàng đống xương người và đã chọn một bộ trong số ấy để chôn cất. Không quan trọng người đó là ai, tôi chôn như chôn đứa con của mình". Sau đó chính quyền thành phố Hiroshima đưa những nạn nhân còn sống sót vào các trung tâm tâm lý, phải mất nhiều thời gian giải thích cho họ điều gì đã xảy ra thì họ mới biết đó là bom nguyên tử.

Cựu đại tá không quân Mỹ Paul Tibbets, hiện 90 tuổi, không hề cảm thấy ăn năn khi chỉ huy phi hành đoàn gồm 12 người trên chiếc B29 ném bom xuống Hiroshima ngày ấy. Trả lời phỏng vấn một đài phát thanh cách đây không lâu, ông nói: "Không có cuộc chiến tranh nào có thể tránh khỏi việc giết hại những thường dân vô tội". Còn một trong những cha đẻ của trái bom nguyên tử, nhà vật lý học người Mỹ gốc Hungary - Leo Shilard thì nói: "Đây là tội ác chiến tranh ghê tởm, vô nhân tính. Nếu như Đức quốc xã cũng hành xử với chúng ta như thế, chúng ta đã treo cổ hết bọn chúng tại tòa án quân sự".

Thời gian không thể làm lành vết thương trong tâm hồn người Nhật. Nhưng giờ đây, họ đã tha thứ cho tội ác của người Mỹ. Thậm chí khi nhớ lại sự kiện này, người ta còn dẫn lại lời của Thư ký Chính phủ Nhật lúc đó là Hisasune Sakomisu: "Bom nguyên tử - đấy là quà tặng bằng vàng cho Nhật Bản từ bầu trời. Nhờ nó mà nước Nhật đã có thể kết thúc chiến tranh". Theo thống kê mới nhất của Nhật Bản, tính đến năm 2004 “quà tặng từ bầu trời” đã và đang đưa tổng số người chết vì nó lên con số 237.062 nhân mạng. Con số này chưa phải là cuối cùng, bởi theo thời gian sẽ còn những người bị chết vì di họa của trái bom oan nghiệt ấy. Đa số người bị chết sau này là do nhiễm phóng xạ.

Hoài Sơn
(Theo Luận chứng & Sự kiện - Nga)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.