Ai sẽ chịu tình nguyện phơi nhiễm Covid-19 để nghiên cứu?

20/10/2020 20:00 GMT+7

Các chuyên gia Anh ngày 20.10 cho biết họ sẽ cho tình nguyện viên khỏe mạnh phơi nhiễm virus Corona chủng mới ( SARS-CoV-2 ) gây bệnh Covid-19 để tiến hành cái được gọi là nghiên cứu đột phá đầu tiên trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu Anh tuyên bố sẽ tiến hành dự án mang tên Chương trình Thử thách Con người với sự hợp tác của nhiều đơn vị bao gồm Đại học Hoàng gia London, cơ quan y tế và bệnh viện vào đầu năm 2021, theo AFP.
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm tìm cách "giảm thiểu sự lây lan của SARS-CoV-2, tác động của virus và giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19", theo AFP.
Trong cái mà các chuyên gia Anh gọi là nghiên cứu đột phá đầu tiên trên thế giới, giai đoạn đầu của dự án sẽ kiểm tra tỷ lệ nguy cơ khiến tình nguyện viên khỏe mạnh tiếp xúc và nhiễm SARS-CoV-2.
Họ lên kế hoạch tuyển tình nguyện viên độ tuổi từ 18-30 và không có bệnh nền như bệnh tim, tiểu đường hoặc béo phì.
"Trong giai đoạn đầu, mục đích nghiên cứu là khám phá lượng virus nhỏ nhất, đủ để khiến một người mắc Covid-19", theo thông báo của Đại học Hoàng gia London.

Đáng sợ mô phỏng lây lan virus Covid-19 trong phòng kín

Trả lời phỏng vấn đài BBC, giáo sư y học thực nghiệm Peter Openshaw tại Đại học Hoàng gia London cho biết nhóm nghiên cứu sẽ đưa mẫu SARS-CoV-2 vào người tình nguyện viên khỏe mạnh thông qua đường mũi.
“Ưu điểm của nghiên cứu phơi nhiễm là chúng tôi có thể xem xét từng tình nguyện viên trước và trong khi bị lây nhiễm Covid-19. Từ đó, chúng tôi có thể tìm ra chính xác những gì đang xảy ra đối với bệnh nhân Covid-19 ở từng giai đoạn”, ông Openshaw nói.
Các nhà nghiên cứu Anh sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu này để nghiên cứu vắc xin và khám phá thuốc điều trị Covid-19.
Nhà nghiên cứu Chris Chiu tại Đại học Hoàng gia London nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên vì đây là nghiên cứu cố ý làm lây nhiễm Covid-19”.
"Không có nghiên cứu nào là hoàn toàn không có rủi ro. Tuy nhiên, các đối tác của Chương trình Thử thách Con người cố gắng đảm bảo giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể", chuyên gia Chiu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.