Truyền thông Trung Quốc dẫn văn bản của Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam ngang nhiên kêu gọi “mọi tổ chức hay cá nhân” đăng ký tham gia “phát triển du lịch và xây dựng” những đảo không người ở tại các khu vực mà nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Chính quyền Hải Nam hiện đang “quản lý” cái gọi là “TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên năm 2012 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Kênh CGTN, thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, dẫn văn bản phi pháp nói trên cho thấy kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa, nơi vẫn còn hàng trăm thực thể chưa có người ở. Thậm chí chính quyền Hải Nam còn vẽ ra khung thời gian phát triển tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Đối với nuôi trồng thủy hải sản, chính quyền cho phép nhà đầu tư đăng ký hoạt động trong 15 năm, với các dự án du lịch và giải trí là 25 năm; 30 năm nếu khai thác khoáng sản và muối trong khi những dự án thuộc dạng “phúc lợi công cộng” là 40 năm. Cuối cùng, hoạt động xây dựng cảng biển và xưởng đóng tàu được ưu ái đến 50 năm. Bên cạnh đó, theo Hoàn Cầu thời báo, chính quyền Hải Nam yêu cầu nhà đầu tư phải nộp tiền vào ngân sách để có thể hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa.
Rõ ràng sau một loạt hành động quân sự hóa tại Biển Đông như đưa vũ khí ra những bãi đá bị bồi đắp thành đảo nhân tạo ở Trường Sa và cho máy bay ném bom H-6K xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, Trung Quốc đang tiến hành bước tiếp theo để thể hiện cái gọi là “chủ quyền” tại những địa điểm chiếm đóng phi pháp thông qua dân sự. CGTN dẫn lời ông Trần Tương Miểu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV) ngang ngược tuyên bố: “Chiến lược phát triển đảo hoang sẽ mang đến sự ổn định và đập tan nỗ lực của các nước khác nhằm xâm lược và chiếm đóng lãnh hải của chúng ta”.
Trả lời Thanh Niên ngày 8.7, chuyên gia Hoàng Việt, thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhận định: “Vì Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp đối với Hoàng Sa nên việc kêu gọi vừa rồi chỉ có ý nghĩa tuyên truyền. Thực chất đấy chỉ là tấm bình phong che đậy các ý đồ chính trị bên trong chứ không có khả năng thực tế”. Theo ông, vì những điều kiện phức tạp về pháp lý và thực tế nên nhiều khu vực ở Hoàng Sa và Trường Sa không đủ điều kiện phát triển kinh tế. “Mà không có điều kiện phát triển kinh tế thì đầu tư sao có hiệu quả? Chi phí sẽ nhiều hơn kết quả thu lại. Nên đây chỉ là chính trị thôi”, chuyên gia Hoàng Việt nói.
PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định với Thanh Niên: “Trung Quốc biết rõ rằng chỉ củng cố quân sự các đảo đá thì không bao giờ có thể hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trái luật pháp quốc tế của họ. Vì vậy, họ đang tìm cách dân sự hóa các hoạt động của họ, trong đó có các hoạt động cho phép các cá nhân khai thác những đảo đá nêu trên. Họ đang thể hiện cho thế giới thấy là họ đang “quản lý một cách hòa bình, lâu dài và liên tục” 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Âm mưu của Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công nếu chúng ta luôn khẳng định chủ quyền của mình và liên tục phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc”. Ngọc Mai
|
Bình luận (0)