AMTI: Trung Quốc lần đầu triển khai máy bay quân sự trên đá Xu Bi

Bảo Vinh
Bảo Vinh
10/05/2018 12:53 GMT+7

Ảnh chụp vệ tinh ngày 28.4 cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép máy bay vận tải quân sự Y-8 trên đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) vừa công bố ảnh vệ tinh chụp ngày 28.4, lần đầu xác nhận Trung Quốc triển khai máy bay quân sự trên đá Xu Bi bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Y-8 là máy bay vận tải nhưng có nhiều biến thể được dùng cho mục đích tuần tra hàng hải hoặc trinh sát.
Với động thái lần này, Trung Quốc giờ đã triển khai máy bay quân sự trên cả 3 đường băng ở đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị nước này chiếm đóng và tiến hành những hoạt động xây dựng trái phép.
Tháng 4.2016, Trung Quốc điều một chiếc máy bay tuần tra hàng hải (được cho là Y-8) đến đá Chữ Thập để đưa 3 người bệnh về đất liền.
Hai máy bay vận tải quân sự Y-7 trên đá Vành Khăn ngày 6.1 Ảnh chụp màn hình The Philippine Daily Inquirer
Hồi tháng 4.2018, tờ The Philippine Daily Inquirer công bố ảnh chụp từ ngày 6.1 cho thấy 2 máy bay vận tải quân sự Y-7 trên đá Vành Khăn.
Việc triển khai máy bay Y-8 trên đá Xu Bi là một hành động đáng lo ngại mới nhất của Trung Quốc tại Trường Sa trong thời gian gần đây.
Hôm 3.5, kênh CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ trong 30 ngày qua, Trung Quốc đã âm thầm điều tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B đến 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi.
Ngày 9.4, tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc đã triển khai các thiết bị gây nhiễu tại đá Vành Khăn và Chữ Thập. AMTI xác nhận các hệ thống gây nhiễu hiện diện trong ảnh chụp tại đá Vành Khăn ít nhất từ giữa tháng 2 đến ngày 6.5 dù được đặt dưới lớp ngụy trang.
Các thiết bị gây nhiễu của Trung Quốc tại đá Vành Khăn ngày 6.5  AMTI
AMTI dự đoán có thể trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ triển khai các chiến đấu cơ như J-10, J-11 đến 3 bãi đá nói trên, giống như cách nước này đã thực hiện tại đảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Trước những động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các hoạt động ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị”.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước thông tin Trung Quốc ngang nhiên bố trí tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và yêu cầu rút các trang thiết bị quân sự khỏi khu vực.
“Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”, bà Hằng tuyên bố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.