Cuộc họp sẽ diễn ra vào chiều 31.7 tại Bahrain và có thể sẽ không mang lại kết quả ngay lập tức. Tờ The Guardian dẫn lời giới chức Anh cho biết những đề xuất từ cuộc họp nếu có sẽ được trình lên chính phủ các nước để bàn bạc thêm.
Phía Anh được cho là muốn làm cầu nối giữa Mỹ và các nước phương Tây trong việc thành lập một liên minh đảm bảo an ninh hàng hải tại vùng Vịnh.
Các nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ đề xuất của nước này về việc tạo ra lực lượng do châu Âu dẫn đầu nhằm hộ tống tàu bè tại eo biển Hormuz vẫn giữ nguyên dù ông Jeremy Hunt không còn làm ngoại trưởng trong chính quyền của tân Thủ tướng Boris Johnson.
Hôm 19.7, Iran bắt giữ tàu dầu Stena Impero của Anh với cáo buộc vi phạm quy tắc hàng hải quốc tế. Động thái được cho là nhằm trả đũa việc Anh bắt tàu dầu Grace-1 của Iran tại Gibraltar hồi đầu tháng vì nghi vi phạm lệnh cấm vận của EU đối với Syria.
Anh cho rằng liên minh có hình thành hay không phụ thuộc phần lớn vào Mỹ, bất kể nước này tham gia với vai trò lãnh đạo hay hỗ trợ, vì Washington hiện có lực lượng quân sự lớn tại khu vực.
Trong khi đó, các nước châu Âu như Đức và Pháp vẫn ngần ngại trong việc gia nhập liên minh với Mỹ vì không muốn gia tăng căng thẳng với Iran. Các nước châu Âu hiện mâu thuẫn về quan điểm với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Washington đã rút ra hồi năm ngoái.
Mặt khác, người phát ngôn đại sứ quán Mỹ tại Đức Tamara Sternberg-Greller ngày 30.7 gây sức ép lên Berlin khi đề nghị Đức tham gia cùng Anh và Pháp để đảm bảo an ninh tại eo biển Hormuz trước các hành động gây khiêu khích của Iran.
“Các thành viên chính phủ Đức đã nói rõ rằng tự do hàng hải nên được bảo vệ. Câu hỏi của chúng tôi là, được ai bảo vệ?”, bà Sternberg-Greller nhấn mạnh. Hiện Berlin chưa bình luận gì về động thái này.
Bình luận (0)