Apa Sherpa - Ngài Everest

23/05/2010 11:20 GMT+7

(TNTT>) Ngày 21.5 vừa qua, “Ngài Everest” Apa Sherpa đã lên tới đỉnh cao nhất trái đất lần thứ 20, xác lập kỷ lục mới của nhân loại. Vì thế, người ta còn gọi ông với cái tên "Siêu Sherpa".

Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848m so với mặt nước biển. Chính độ cao đó trở thành nguồn cảm hứng để nhiều người leo núi từ khắp nơi trên thế giới đổ về chinh phục nó. Hành trình lên tới đỉnh tất nhiên không dễ dàng. Có nhiều đoàn leo núi đã thất bại trong việc chinh phục Everest dù có thể họ chỉ còn cách đích vài trăm mét. Trên độ cao như vậy, có rất nhiều thứ đáng sợ rình rập: không khí loãng, thời tiết giá lạnh, gió to… Mãi đến năm 2009, Panama mới có người đầu tiên trèo lên đỉnh Everest và còn nhiều quốc gia vẫn chưa có người chinh phục được nóc nhà thế giới. Lên được đỉnh Everest một lần trong đời đủ được coi là niềm tự hào đối với mỗi nhà leo núi. Thế nhưng với  Apa Sherpa, lên Everest lại là chuyện thường niên.  

Mưu sinh từ Everest

Apa không phải là siêu nhân. Người đàn ông này có dáng người nhỏ khi chỉ cao khoảng 1,6m và nặng 54kg. Apa không còn trẻ trung, ông sắp bước sang tuổi 50. Thật ra, bản thân Apa cũng không nhớ chính xác ông bao nhiêu tuổi mà chỉ biết ông sinh khoảng giữa 1960 và 1962. Apa sinh trưởng trong một gia đình nghèo làm nghề chăn bò yak tại chân dãy núi Himalaya. Năm 12 tuổi, cha ông mất và Apa trở thành trụ cột chính trong gia đình vì ông là con trai lớn nhất. Do hoàn cảnh khó khăn, Apa phải nghỉ học để cùng mẹ làm việc lo cho 5 đứa em. Công việc đơn giản nhất mà một cậu bé như Apa có thể làm được khi đó là đánh xe bò, vận chuyển đồ phục vụ cho dòng người đi chinh phục Everest. Apa cho biết ngày đó, ông chẳng quan tâm đến việc trèo lên nóc nhà thế giới mà chỉ cần tiền của đoàn lữ khách.

Nhưng cuộc đời đã chọn cho Apa nghiệp leo núi. Ngoài 20 tuổi, nghề chính của Apa là phụ bếp để phục vụ các đoàn leo núi. Những năm sau đó, Apa là phục vụ tin cậy cho nhiều đoàn tìm đến thử sức với "nóc nhà của thế giới" nhưng chưa bao giờ ông theo đoàn lên đỉnh cao nhất mà chỉ ở các trạm phía dưới. Năm 1988, một đoàn leo núi Hàn Quốc đã thuê Apa lên tận đỉnh cùng họ nhưng lần này không thành công. Do thiếu kinh nghiệm, không thuộc đường nên đoàn phải bỏ cuộc ở độ cao 8.500 mét. Năm 1989, Apa cũng theo một đoàn leo núi Hàn Quốc khác chinh phục Everest bất thành vì họ leo vào mùa đông, thời tiết quá lạnh.

Lần chinh phục Everest đầu tiên của Apa vào năm 1990 là một dịp đáng nhớ. Khi đang ở trạm dừng chân thứ hai, người đàn ông Nepal này nằng nặc đòi về vì nhớ vợ con. Đoàn leo núi phải cho ông trở lại để gặp mặt vợ con trong một đêm rồi mới đi tiếp. Để có vài giờ bên vợ con, Apa mất 4 ngày để đi từ trạm về nhà và quay lại trạm. Sau khi gặp vợ con, Apa mới yên tâm leo núi vì ông sợ có thể không bao giờ gặp lại người thân. Rất may, lần này đoàn leo núi rất thành công và sau 18 ngày, họ chinh phục Everest. Hôm đó là 10.5.1990. 

Leo núi thường niên


Dáng vóc tuy nhỏ bé nhưng Apa đã làm được những điều phi thường

Sau thành công lần đầu tiên, Apa chinh phục Everest theo chu kỳ thường niên. Chỉ có năm 1996 và 2001 là Apa vắng mặt trên đỉnh Everest nhưng năm 1992, ông lại chinh phục nóc nhà thế giới hai lần. Có những lần leo đáng nhớ với Apa như lần leo thứ 2 trong năm 1992 (thứ 4 trong cuộc đời). Đó là lần đầu tiên leo lên Everest vào mùa đông. Sau đó, ông chỉ có một lần leo mùa đông nữa vào năm 1994. Các lần khác, người đàn ông Nepal này đều đi vào hè và ngày lên đỉnh thường vào tháng 5. Lần leo thứ 9 cũng đáng nhớ với Apa bởi đó là lần leo đầu tiên ông lên theo ngả đường phía nam, vốn khó chinh phục hơn.

Trong lần leo thứ 20, Apa dự định mang theo một phần tro hài cốt của Edmund Hillary (người đầu tiên chinh phục Everest năm 1953) và rải chúng trên đỉnh Himalaya, một hành động mang ý nghĩa tôn vinh Hillary. Nhưng sau khi nghe lời khuyên từ nhà chùa, Apa đã bỏ ý định này. Tại sao Apa lại kính trọng Hillary? Không phải vì Hillary là người đầu tiên chinh phục Everest hay con trai Hillary là người giúp Apa trong lần chinh phục Everest đầu tiên. Lý do chính là Hillary đã giúp đỡ rất nhiều trong việc phát triển đời sống, xã hội của những vùng nghèo khó dưới dãy Himalaya. Mục đích chính của Apa khi leo núi cũng vì ông muốn hành động như Hillary: quyên góp tiền cho tổ chức Apa giúp đỡ các trẻ em nghèo tại Nepal, đặc biệt là những vùng dưới dãy Himalaya.

Apa cho biết mỗi lần leo núi như vậy không phải chuyến đi chơi mà nó rất mạo hiểm. Cả gia đình luôn lo lắng cho ông và họ thực sự chỉ ngủ ngon khi biết ông đã xuống đến trạm an toàn. Khi Apa về đến trạm, cả gia đình bắt đầu mở hội để ăn mừng ông chinh phục Everest. Con trai cả của ông, Tenjing cho biết: “Đầu tiên là bữa tiệc tại trạm, sau đó là tiệc tại thủ đô Kathmandu và một bữa tiệc nữa tại quê nhà”. Còn Apa, ông có nghĩ đến lần chinh phục thứ 21 hay chỉ dừng ở con số 20? Apa nói rằng ông chưa muốn nghĩ đến điều này mà chỉ muốn dành thời gian cho gia đình và những giấc ngủ say. Trong những ngày sống trên cao vừa qua, ông chưa lúc nào được ngủ ngon.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.