APEC kiên trì tự do hóa thương mại

21/11/2016 06:42 GMT+7

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm đưa TPP đi vào thực thi là rất cần thiết.

Chiều 19.11 giờ địa phương (tức sáng 20.11, giờ Việt Nam), Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky đã chủ trì lễ đón các trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và Phát triển con người”, Năm APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy 4 ưu tiên chính: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực.
Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự phiên đối thoại và phiên họp nhóm với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã cùng Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Byong-joon và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman đồng chủ trì đối thoại với các doanh nghiệp thành viên ABAC.
Tại đối thoại, Chủ tịch nước nhấn mạnh quyết tâm của các nền kinh tế APEC trong việc kiên trì tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp APEC cũng cần chung sức cùng các chính phủ nỗ lực tìm kiếm động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự và phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), được tổ chức tại Nhà hát lớn quốc gia ở thủ đô Lima, Peru. Đây là sự kiện quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, với sự tham dự của khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước chuyển thông điệp chào đón các doanh nghiệp APEC sang Việt Nam tham dự CEO Summit trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng.
Thúc đẩy TPP
Cùng ngày 19.11, tại Trung tâm hội nghị Lima diễn ra cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự cuộc họp. Đây là cuộc họp cấp cao lần thứ bảy và là lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP, kể từ khi hiệp định được ký kết vào ngày 4.2.2016 tại Auckland, New Zealand.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Obama đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên thúc đẩy hoàn tất thủ tục trong nước để có thể sớm phê chuẩn và thực thi một Hiệp định TPP toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, phù hợp với xu thế chung. Tổng thống Mỹ bày tỏ tin tưởng việc sớm đưa TPP đi vào thực thi sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân.
Trong các phát biểu tiếp đó, các nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm chung và nhu cầu tăng cường hợp tác để thúc đẩy việc thực thi TPP, coi đây là một kênh quan trọng góp phần làm sâu rộng hơn nữa liên kết khu vực và hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bật quyết tâm của VN trong nỗ lực triển khai hội nhập quốc tế để thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP. Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu bị suy giảm và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, việc sớm đưa TPP đi vào thực thi là rất cần thiết.
Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần tăng cường hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển để cùng chia sẻ những lợi ích mà TPP mang lại; đồng thời bày tỏ tin tưởng việc triển khai TPP sẽ góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng giữa 12 nước thành viên và ở châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng trong chiều 19.11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự Đối thoại không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC với Liên minh Thái Bình Dương, gồm 4 nền kinh tế Mỹ Latin là Peru, Mexico, Chile và Colombia.
Hoạt động song phương của Chủ tịch nước tại Peru
Ngày 19.11, giờ địa phương (ngày 20.11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tại cuộc hội đàm cấp cao Việt Nam - Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực; việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai bên cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tại cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Nga, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Putin hài lòng trước những phát triển nhanh chóng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mong muốn cùng phấn đấu tạo nền tảng vững chắc hơn nữa cho quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo, quốc phòng - an ninh...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; tiếp xúc với Thủ tướng New Zealand John Key, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi nói trên, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng trong tháng 11.2017. Lãnh đạo các nước đều khẳng định ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.