ASEAN cần chia sẻ thông tin tình báo để chống IS

27/12/2015 17:00 GMT+7

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần trao đổi thông tin tình báo để chống lại các nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia an ninh Đông Nam Á nói với Thanh Niên .

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần trao đổi thông tin tình báo để chống lại các nguy cơ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Tiến sĩ Zachary Abuza, chuyên gia an ninh Đông Nam Á nói với Thanh Niên.

IS đã chiêu mộ được số lượng vài trăm người từ các nước Malaysia, Singapore, Indonesia và Campuchia để đến tham chiến ở Syria và Iraq - Ảnh: ReutersIS đã chiêu mộ được số lượng vài trăm người từ các nước Malaysia, Singapore, Indonesia và Campuchia để đến tham chiến ở Syria và Iraq - Ảnh: Reuters
Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) gần đây đã chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn chưa có dấu hiệu sụp đổ. Hoạt động của tổ chức này còn lan sang vài nước châu Á, dẫn đến các vụ bắt giữ những kẻ tình nghi có âm mưu khủng bố ở Indonesia mới đây.
Trước đó, khoảng giữa tháng 11, vài bạn trẻ Việt Nam đã lập Facebook mạo danh IS khiến cộng đồng xôn xao. Câu chuyện sẽ không hề là trò đùa nếu biết rằng, trên thực tế tổ chức cực đoan này đã có kế hoạch lấn tới khu vực Đông Nam Á và trong đó Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng.

Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (National War College), đã có trao đổi với Thanh Niên về tình hình IS tại Đông Nam Á.

Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC), chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á cho rằng các nước trong đó có Việt Nam cần liên kết, chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn mầm họa IS.
       

Mối đe dọa của IS tại Đông Nam Á đang diễn biến ra sao, thưa ông?

Ts. Zach Abuza: Tính đến nay có khoảng 600 - 800 người từ Đông Nam Á đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Tuy nhiên, con số này bao gồm gia đình họ và trẻ em, nên số lượng các tay súng thực tế thấp hơn nhiều. Họ được xác định là những người từ Malaysia, Indonesia, Singapore và một người từ Campuchia.

Một số nhóm khủng bố ở Đông Nam Á như Abu Sayyaf ở Philippines, Mujahideen ở đông Indonesia (MIT) và các tín đồ của Abu Bakar Ba’asyir ở Indonesia đã cam kết trung thành với IS. Có đủ người Đông Nam Á ở đó, nhưng họ có một nhóm dùng chung tiếng Bahasa (tiếng Mã Lai) trong IS. Tại Raqqa của Syria cũng có những lớp dạy tiếng Bahasa cho trẻ nhỏ.

Lý do duy nhất đến nay khiến không có thêm nhiều người Đông Nam Á đến Syria là những dịch vụ hậu cần, di chuyển. Chính phủ các nước Malaysia, Indonesia và Singapore đã đối phó với nhóm cực đoan Jemaah Islamiah 15 năm trước, và ngăn chặn rất nhiều người đã và đang muốn bay đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nghĩ gì về khả năng IS đe dọa an ninh ở Đông Nam Á?

Chắc chắn IS sẽ đe dọa an ninh đến Đông Nam Á, với một vài lý do sau đây:

Đầu tiên, vào năm 2014 khi IS đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, tổ chức Jemaah Islamiah liên kết với al-Qaeda đã hoạt động trở lại. Trước đó Jemaah Islamiah từng thực hiện nhiều vụ khủng bố vào các giai đoạn 2002 đến 2005, 2007, 2009 - 2010, cùng nhiều kế hoạch khác, đã bị triệt tiêu. Rõ ràng sự thành công xét về khía cạnh nào đó của IS đã làm hồi sinh các mạng lưới khủng bố khác.

Thứ hai, nhiều người trong số các tay súng (ở Syria và Iraq) sẽ trở về Đông Nam Á để tiếp tục tuyển dụng, truyền bá cho thế hệ khủng bố mới.
Những tay súng trở về từ Iraq có thể góp phần giúp IS lớn mạnh hơn tại Đông Nam Á - Ảnh: Reuters 

Thứ ba, các kế hoạch tấn công đã được triển khai. Malaysia đã ngăn chặn 2 kế hoạch đánh bom lớn ngay trước giai đoạn sắp diễn ra, trong vòng 16 tháng qua. Họ cũng đã phá vỡ một kế hoạch bao vây con tin. Tại Indonesia, những kẻ trở về đã cho nổ quả bom đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thứ tư, IS có ảnh hưởng rất mạnh trong nhiều bộ phận tại Đông Nam Á vì khả năng tuyên truyền của chúng được tổ chức rất tốt. Nó diễn ra trơn tru, và thực hiện trên các thiết bị di động. Các phương thức tuyên truyền này phổ biến đặc biệt trên mạng xã hội.

Thứ năm, IS tuyển dụng ở diện rộng, qua nhiều tầng lớp và đối tượng xã hội từ thanh niên, cán bộ, công chức, thành viên lực lượng an ninh, công nhân, người thất nghiệp, bác sĩ... chứ không khắt khe như Jemaah Islamiah, nhóm chỉ tuyển dụng các thành phần rất cực đoan. Và cũng khác với Jemaah Islamiah, IS chủ yếu dựa vào phụ nữ trong việc tuyển mộ và tuyên truyền.

IS thời gian qua đã nhận trách nhiệm tấn công Paris, sau vụ đánh bom Bangkok ít lâu. Liệu Đông Nam Á có khả năng chứng kiến một “Paris mới” hay “Bangkok mới” hay không, thưa ông?

Đây cũng là một chủ đề tôi đang phân tích. Lực lượng an ninh luôn dành sự quan tâm đến những quả bom, nhưng tôi lại nghĩ mối lo ngại nằm ở các kiểu vây bắt con tin. Nó gây nhiều thương vong, và quan trọng hơn, nó ít đòi hỏi nguồn lực và kỹ năng hơn nên dễ thực hiện hơn.  Kể từ lúc tổ chức LeT (Lashkar-e-Taiba) tấn công Mumbai (Ấn Độ) vào năm 2008, chúng ta đang ngày càng chứng kiến nhiều hơn các kiểu tấn công tương tự.

Chúng ta có giả định ngớ ngẩn rằng những tay súng trở về từ Syria sẽ mang bom để khủng bố. Thực sự đó là điều ngớ ngẩn. Hầu hết chỉ là những màn thí tốt mà thôi. Những cuộc tấn công dạng thí tốt này cần ít tiền, không đòi hỏi kỹ thuật cao, và chính xác là những gì các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đủ khả năng.

Các nước Đông Nam Á đã có những kế hoạch gì để ngăn chặn IS hoặc các mối đe dọa khủng bố, thưa ông?

Như tôi đã đề cập, hiện nay chính phủ các nước đã chủ động hơn đối với mối đe dọa từ IS, và giữa họ có nhiều sự hợp tác hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm rất nhiều sự hợp tác từ phía cảnh sát và chia sẻ thông tin tình báo, trong đó bao gồm cả Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.