Át chủ bài tàu chiến không người lái

23/10/2016 14:00 GMT+7

Mỹ đang đặt cược vào phát triển công nghệ tàu nổi không người lái nhằm thay đổi phương thức tác chiến hải quân trong tương lai.

Theo chuyên san The National Interest, Lầu Năm Góc đang tích cực đẩy mạnh nhiều dự án phát triển các loại tàu nổi không người lái (USV) công nghệ cao và có thể tách rời thành từng mô đun tự hành. Mục tiêu là hướng tới sở hữu những khí tài đa nhiệm có khả năng phục vụ hải chiến lẫn chiến thuật đổ bộ.
USV thế hệ mới được kỳ vọng có thể đảm đương một loạt chức năng như chuyển quân, tiếp tế, tấn công bằng vũ khí tự hành, áp đảo đối phương bằng chiến thuật bầy đàn, rà phá thủy lôi, tác chiến chống ngầm và phân tán hỏa lực đối phương. The National Interest dẫn lời giới chuyên gia nhận định ưu điểm lớn nhất của USV là cung cấp cho hải quân nhiều lựa chọn tác chiến linh hoạt, đặc biệt có thể giúp thủy quân lục chiến và biệt kích tránh đương đầu trực diện với hệ thống phòng thủ bờ biển trong các chiến dịch đổ bộ, bảo toàn tính bí mật, chớp nhoáng và giảm tổn thất.
Công nghệ vượt trội
Hiện chịu trách nhiệm đầu tàu trong các dự án USV của Lầu Năm Góc là Phòng Năng lực Chiến lược (SCO). Ông William Roper, giám đốc cơ quan này, cho biết nỗ lực của SCO sẽ mở ra khả năng sử dụng thiết bị không người lái để cải thiện đáng kể chiến thuật và phương thức tác chiến của hải quân Mỹ, đặc biệt là trong chống thủy lôi, chống ngầm và tấn công đổ bộ.
Cụ thể, SCO đang nỗ lực nâng cấp hệ thống điều khiển tự động với nhiều ứng dụng tối tân, cho phép các tàu không người lái thực hiện một loạt nhiệm vụ hiện chỉ do tàu có người lái đảm nhiệm. Tốc độ xử lý của máy tính đang tiến triển với tốc độ vũ bão, tạo điều kiện cho USV thực hiện nhiều chức năng hơn mà không cần sự can thiệp của con người cho mỗi hoạt động riêng biệt. Dù vậy, các chuyên gia của SCO còn hướng tới xây dựng những bộ điều khiển và thiết bị có thể tách rời và ráp nối để các tàu có thể dễ dàng hoán đổi công năng vận hành giữa có và không người lái.
Theo Giám đốc Roper, tính năng này sẽ hỗ trợ cực kỳ hữu hiệu cho các chuyến viễn chinh của hạm đội tàu sân bay. “Thay vì sử dụng tàu đổ bộ rồi tàu tiếp tế với rất nhiều nhân lực, bạn có một tàu đa nhiệm tự hành có thể nhanh chóng chuyển thành tàu do người điều khiển khi cần kiểm soát các tình huống bất ngờ”, ông nhấn mạnh.
SCO hy vọng sẽ đạt tiến triển đáng kể trong việc chế tạo các bộ thiết bị tự động hóa trong vòng 2 năm tới trước khi chính thức chuyển giao đầy đủ cho hải quân Mỹ. Dĩ nhiên, hải quân cũng không ngồi yên mà đang tích cực tham gia công đoạn thử nghiệm và đánh giá các bước phát triển của chương trình. Mặt khác, SCO còn được giao nhiệm vụ kiểm soát và thúc đẩy quá trình hợp nhất những nền tảng vũ khí và công nghệ mới với những hệ thống hiện hữu để tiết kiệm chi phí, cải thiện năng lực cũng như tránh được quy trình tiếp nhận vũ khí mới, vốn bị đánh giá là tốn thời gian và thường vướng thủ tục quan liêu, theo The National Interest.
Át chủ bài tàu chiến không người lái 1
Tàu săn ngầm Sea Hunter trong buổi hạ thủy tại Portland, bang Oregon Ảnh: Defense News
Bên cạnh đó, công nghệ cảm biến, dò tìm đang ngày càng phát triển, còn các loại vũ khí bảo vệ bờ biển có tầm tấn công dài hơn, làm gia tăng rủi ro cho những chiến dịch tấn công đổ bộ. Để ứng phó, hải quân và lính thủy đánh bộ Mỹ phải liên tục tìm kiếm những chiến thuật, khí tài mới, và USV được kỳ vọng sẽ là một trong những lựa chọn hữu hiệu nhất.
Theo ý tưởng thiết kế, một chiếc tàu không người lái có thể tách ra thành nhiều mô đun tự vận hành, mỗi phần có thể chở một đơn vị đổ bộ hoặc đóng vai trò “chim mồi” làm nhiễu hệ thống phòng thủ của địch. Nhờ đó, chiến dịch có thể triển khai theo nhiều hướng cùng lúc, khiến đối phương không kịp trở tay. “Thay vì tấn công theo một cụm duy nhất và dễ trở thành mục tiêu tập trung hỏa lực của địch, lực lượng đổ bộ có thể tỏa ra rồi tụ lại vô cùng linh hoạt tùy theo tình hình”, The National Interest dẫn lời ông Roper giải thích.
Mặt khác, trong một trận đụng độ giữa biển, một đội tàu không người lái có thể tách nhỏ ra để gia tăng số lượng thiết bị, tạo ưu thế tấn công kiểu “bầy đàn” và áp đảo, tiêu diệt tàu đối phương bằng pháo, tên lửa nhỏ, hoặc thậm chí là lao vào tấn công cảm tử. Với tốc độ nhanh và linh hoạt, USV còn có thể giúp giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả cho các sứ mệnh như tình báo, chống mìn, tìm kiếm và cứu hộ, chiến tranh điện tử, vận chuyển hàng tiếp tế và vũ khí…
Những át chủ bài tương lai
Theo trang Scout Warrior, từ nền tảng công nghệ do SCO phát triển, Văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ đang triển khai nhiều chương trình khí tài không người điều khiển khác nhau. Nổi bật trong số này có Hệ thống rà quét ảnh hưởng tự hành (UISS) gắn cho tàu không người lái lớp Fleet do Hãng Textron chế tạo. Con tàu này có thể tự di chuyển trong hơn 20 giờ với tốc độ 20 hải lý, đồng thời đủ khả năng chống chịu sóng cao hơn 6 m. Trong khi đó, UISS được thiết kế để tìm kiếm và kích nổ thủy lôi nhằm bảo vệ thủy thủ và các tàu có người lái.
Đến thời điểm hiện nay, đã có 4 tàu lớp Fleet được đóng với kích thước nhỏ gọn để có thể nằm trong lòng các tàu tác chiến cận bờ (LCS) các lớp Freedom lẫn Independence và dễ dàng được triển khai khi cần. Theo kế hoạch, LCS mang theo USV lớp Fleet là một thành tố có vai trò trụ cột trong chiến lược tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Bên cạnh đó, hải quân Mỹ đang thúc đẩy dự án USV săn ngầm mang tên Sea Hunter (Thợ săn biển cả), thành quả mới nhất của Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA). Có tầm hoạt động lên đến 16.000 km với tốc độ tối đa 48 km/giờ, Sea Hunter sử dụng công nghệ sonar tối tân và các thiết bị cảm biến khác để phát hiện tàu ngầm đối phương. Một thiết bị sonar tần suất cao sẽ phát tín hiệu âm thanh dưới lòng biển, sau đó phân tích tín hiệu phản hồi để xác định quy mô, kích cỡ, tốc độ và tính chất của bất kỳ hoạt động ngầm đáng nghi nào. Theo Scout Warrior, con tàu nặng 135 tấn này có thể chịu được sóng cao 2 m.
Một chương trình USV đầy hứa hẹn khác là các loại tàu tiếp nhiên liệu lẫn chuyển tải dữ liệu trong chiến tranh điện tử được triển khai và thu hồi bởi một tàu chủ. Mang tên Hệ thống tiếp liệu và chuyển dữ liệu tự động (ORADTS), loại USV này được kỳ vọng có thể vận chuyển 1.500 - 2.300 lít nhiên liệu DFM trong khi chỉ tiêu tốn khoảng 90 - 150 lít/giờ, đồng thời có khả năng xử lý và truyền tải 2 terrabyte/lần với tốc độ cao. Hải quân cũng đặt hàng các chuyên gia thiết kế các tàu ORADTS có khả năng sống sót cao hơn và tầm hoạt động xa hơn các USV hiện hữu để mở rộng phục vụ những sứ mệnh viễn chinh.
Triển vọng thị trường USV
Hiện nay, USV vẫn chưa thực sự phổ biến như máy bay không người lái (UAV). Chỉ mới có một loại USV quân sự có khả năng tấn công được đưa vào thực chiến là tàu lớp Protector do Tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel chế tạo. Tàu này được trang bị ụ vũ khí tự hành Mini Typhoon Weapon Station và hiện được Lực lượng phòng vệ Israel cũng như hải quân Singapore sử dụng.
Tuy nhiên, trang Abnewswire dẫn kết quả nghiên cứu của Hãng Market Reports Center (Mỹ) dự báo thị trường USV toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 14,5% trong giai đoạn 2016 - 2021, với giá trị thị trường ước đạt 861 triệu USD. Nguyên nhân là nhu cầu ngày càng cao trong an ninh hàng hải, đặc biệt là bảo vệ các vùng biển nông và hải cảng, cũng như nhu cầu thu thập dữ liệu, vẽ bản đồ đại dương trên phạm vi toàn cầu.
Cũng theo báo cáo, tính đến năm 2015, thị trường USV chủ yếu do Bắc Mỹ thống lĩnh nhờ nỗ lực cải tiến công nghệ. Tại châu Âu, USV được sử dụng chủ yếu trong vai trò xử lý thủy lôi. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được đánh giá sẽ là thị trường đạt mức tăng trưởng quan trọng trong 5 năm tới, chủ yếu do tình hình an ninh biển có nhiều biến động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.