Ngày 5.7, truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa thêm tin tức về đợt tập trận của nước này tại khu vực bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Dù giới chức Trung Quốc khẳng định đây là “diễn tập bình thường” nhưng đợt tập trận phi pháp sắp tới sẽ kết thúc vào ngày 11.7, chỉ một ngày trước phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) về vụ kiện. Theo dự kiến, vào ngày 12.7, PCA sẽ ra phán quyết cuối cùng cho vụ kiện của Philippines chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo giới quan sát, thời gian và địa điểm tập trận rõ ràng là một thông điệp khiêu khích, mang tính “dằn mặt” về những diễn biến tiếp theo sau phán quyết của PCA.
Đáng lo ngại hơn, về lực lượng tham gia diễn tập, tờ Hong Kong Economic Times đưa tin tàu chiến của cả ba hạm đội Trung Quốc đều đã tập trung về quân cảng Tam Á ở đảo Hải Nam. Trong đó có tàu khu trục mang tên lửa Thẩm Dương thuộc Hạm đội Bắc Hải, tàu khu trục mang tên lửa Ninh Ba và tàu hộ vệ Triều Châu thuộc Hạm đội Đông Hải cùng tàu chiến, máy bay thuộc Hạm đội Nam Hải.
|
Hôm qua 5.7, đến lượt lục quân triển khai phi đội trực thăng đến Biển Đông diễn tập tác chiến bắn đạn thật. Tuy nhiên, địa điểm chính xác không được tiết lộ và chưa rõ hành động này có nằm trong đợt tập trận phi pháp nói trên hay không.
Ngày 4.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ cuộc tập trận xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này.
tin liên quan
Việt Nam phản đối mạnh mẽ cuộc tập trận của Trung QuốcNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình nêu rõ: “Hành động này của phía Trung Quốc một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.
Vũ lực “là lẽ thường”
Trong bài xã luận đăng ngày 5.7, Hoàn Cầu thời báo, ấn phẩm thuộc Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột vũ trang ở Biển Đông. Tờ báo khét tiếng diều hâu này còn đổ lỗi cho Mỹ can thiệp vào tranh chấp Biển Đông, làm phức tạp tình hình và còn tuyên bố căng thẳng có thể leo thang do phán quyết của PCA.
“Mặc dù Trung Quốc không thể đuổi kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong tương lai ngắn hạn, Trung Quốc cần có khả năng để buộc Mỹ trả một cái giá mà nước này không thể kham nổi”, bài viết trên Hoàn Cầu thời báo tuyên bố. Theo tờ này Trung Quốc “cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột, đẩy mạnh phát triển năng lực răn đe quân sự” và đây là “lẽ thường trong quan hệ quốc tế”.
Cũng trong ngày 5.7, một tờ báo Trung Quốc chính thống khác là China Daily cũng lên tiếng “hăm dọa” về phán quyết sắp tới. Dù không trực tiếp nói tới xung đột nhưng tờ này dẫn nguồn tin giấu tên trắng trợn nói thẳng: “Sẽ không có việc gì xảy ra nếu các bên liên quan gạt sang một bên phán quyết của tòa”. Từ đó, China Daily “đánh lận” trách nhiệm khi viết rằng phản ứng của Bắc Kinh sau phán quyết của PCA sẽ “tùy thuộc hoàn toàn vào hành động tiếp theo của Philippines và các nước khác”.
Đến chiều qua 5.7, khi được hỏi về các bài báo nói trên cũng như liệu có xảy ra xung đột ở Biển Đông hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tìm cách giảm nhẹ lo ngại khi tuyên bố chính phủ nước này “cam kết vì hòa bình". “Chúng tôi sẽ làm việc với các nước ASEAN để bảo vệ hòa bình và ổn định”, Reuters dẫn lời ông Hồng nói. Tuy nhiên, phát ngôn viên này vẫn tiếp tục lặp lại quan điểm của Bắc Kinh là “không chấp nhận bất cứ quyết định nào do bên thứ ba đưa ra cho cuộc tranh chấp, hay bất kỳ kế hoạch giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc”.
|
Những kịch bản bất ổn
Trong bài phân tích đăng trên chuyên san The National Interest, chuyên gia Harry J.Kazianis thuộc Tổ chức nghiên cứu Potomac Foundation (Mỹ) cho rằng nếu phải nhận phán quyết bất lợi, Trung Quốc có thể có 3 cách phản ứng.
Thứ nhất là phản đối chiếu lệ, không có hành động đột biến nhưng vẫn âm thầm củng cố đảo nhân tạo phi pháp thành tiền đồn quân sự được trang bị đầy đủ vũ khí hạng nặng.
Thứ hai là tung hết sức mạnh châm ngòi các điểm nóng khu vực như gia tăng tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan và bồi đắp bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines, vốn đã được đưa vào hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Kazianis cũng nhận định kịch bản thứ ba có nhiều khả năng xảy ra nhất là Trung Quốc chính thức tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Thời gian qua, Mỹ dường như bắt đầu triển khai hành động phòng ngừa mọi bất ổn sắp tới. Giới chức nước này liên tục cảnh báo Trung Quốc không có hành động khiêu khích trong khi hải quân triển khai lực lượng từ Hạm đội 7 và Hạm đội 3 hoạt động liên tục trên Biển Đông. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 5.7 tuyên bố ông tin nước này sẽ thắng kiện và khi đó có thể đàm phán với Trung Quốc về những diễn biến sau phán quyết, theo AFP.
Thông điệp đe dọa
Trả lời Thanh Niên ngày 5.7, tiến sĩ Satoru Nagao, giảng viên ngành an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), đánh giá về cuộc tập trận Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông: “Trung Quốc muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự trong khu vực, cũng như thái độ không thừa nhận phán quyết do PCA đưa ra”. Giáo sư Richard Javad Heydarian, chuyên gia về Biển Đông tại Đại học La Salle (Philippines), thì phân tích: “Cuộc tập trận là cách Trung Quốc thể hiện rằng họ sẵn sàng “viễn chinh” để phục vụ cho mưu đồ chủ quyền mà nước này theo đuổi”. Nói “viễn chinh” là bởi cuộc tập trận diễn ra ở khu vực được Bắc Kinh “phân quyền” cho Hạm đội Nam Hải, nhưng lại huy động cả các hạm đội Bắc Hải và Đông Hải.
Chính vì thế, giới chuyên gia rất lo ngại Trung Quốc sẽ càng có hành động khó lường sau ngày 12.7. Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Gregory Poling dự báo: “Bắc Kinh có thể điều động chiến đấu cơ đến quần đảo Trường Sa, có thể tuyên bố ADIZ... Lâu nay, họ vẫn khăng khăng có quyền làm những điều đó”. Đồng nghiệp của ông Poling tại CSIS là chuyên gia Ernest Z.Bower cũng lo ngại: “Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước để chống đối PCA. Trung Quốc có khả năng tuyên bố ADIZ trên một phần Biển Đông hoặc toàn bộ khu vực đường lưỡi bò”.
Ngô Minh Trí
|
Bình luận (0)