Báo Anh: Thăm dò Trung Quốc, Nhật âm thầm quay lại biển Đông

14/03/2015 11:56 GMT+7

(TNO) Gần 70 năm sau khi quân đội Nhật hoàng bị đánh bật khỏi biển Đông, Nhật Bản đang âm thầm quay lại khu vực này, thể hiện qua việc thắt chặt quan hệ an ninh với các nước trong vùng, Reuters nhận định trong bài xã luận đăng ngày 11.3.

(TNO) Gần 70 năm sau khi quân đội Nhật hoàng bị đánh bật khỏi biển Đông, Nhật Bản đang âm thầm quay lại khu vực này, thể hiện qua việc thắt chặt quan hệ an ninh với các nước trong vùng, Reuters nhận định trong bài xã luận đăng ngày 11.3.

Chiến hạm Nhật Bản tập trận ngoài khơi thành phố cảng Yokohama - Ảnh: Reuters
Mặc dù không có tranh chấp với Bắc Kinh tại biển Đông , nhưng Tokyo vẫn lo ngại sẽ bị cô lập trong trường hợp Trung Quốc thống trị vùng biển này, vốn là nơi phần lớn các tàu buôn Nhật đều đi qua, Reuters cho biết.

Các viện trợ dành cho các quốc gia nằm ven biển Đông được đưa ra sau bài phát biểu hồi tháng 5.2014 của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong đó khẳng định Tokyo sẽ giúp Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và các chuyến bay trong khu vực.

“Xu hướng viện trợ đang trở nên rõ ràng và tôi không nghĩ họ (Nhật Bản) sẽ giảm thiểu xu hướng này, bất chấp Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại”, ông Ian Storey, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), bình luận.

Trong một tuyên bố gửi đến Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này hy vọng Nhật Bản sẽ “phát ngôn và hành xử cẩn trọng” về biển Đông, đồng thời nói rằng Tokyo không có tranh chấp trong khu vực này.

Hiểm họa từ đảo nhân tạo của Trung Quốc

Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) là nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và đảo san hô ngầm với tiến độ nhanh đến mức Bắc Kinh sẽ sớm có thể mở rộng phạm vi tác chiến của không quân và hải quân.  

Một số nhà phân tích cho rằng các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc có khả năng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới tại biển Đông. Bắc Kinh vẫn liên tục phủ nhận nhận định này, theo Reuters.

Hồi cuối năm 2013, Trung Quốc đã bị Mỹ và Nhật cùng lên án khi đơn phương thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông.

Theo đánh giá của Reuters, trong khi quân đội Mỹ, Nhật vẫn phớt lờ ADIZ của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông, các quốc gia Đông Nam Á có lẽ sẽ khó có thể làm như vậy một khi Trung Quốc lập ADIZ tại biển Đông.

“Một ADIZ (tại biển Đông) sẽ là một thảm họa. Nó sẽ tạo ra hạn chế nghiêm trọng đối với các hoạt động trên không và trên biển”, một chính khách giấu tên của Nhật nói với Reuters.

Viện trợ tàu thuyền, kinh nghiệm từ Nhật

Tàu tuần duyên Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Kế hoạch tập trận chung ngoài khơi bờ biển Philippines là một phần trong thỏa thuận an ninh ký kết hồi tháng 1 giữa Tokyo và Manila. Thỏa thuận này còn bao gồm các vòng thảo luận cấp thứ trưởng quốc phòng và các hội thảo giữa sĩ quan cấp cao 2 bên.

10 tàu tuần duyên đầu tiên mà Nhật đóng cho Philippines sẽ được giao cho Manila vào cuối năm nay, theo Reuters.

Nhật có thể sẽ tài trợ cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh một căn cứ quân sự Philippines ở đảo Palawan, một nguồn tin thân cận với chính quyền Tokyo tiết lộ với Reuters.

Phát ngôn viên lực lượng vũ trang Philippines, đại tá Restituto Padilla, tán dương các gói viện trợ của Nhật, đồng thời cho biết thêm rằng “việc quân đội Nhật Bản và Philippines bắt tay để giúp nhau bảo vệ các tuyến đường biển tại biển Đông là chuyện hết sức bình thường”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani hồi tháng 2 cho biết chính phủ cần xem xét lại chính sách không gửi máy bay tuần tra ra biển Đông khi vùng biển này quan trọng đối với Tokyo.

Phát biểu của ông Nakatani được đưa ra sau khi Washington tuyên bố ủng hộ ý tưởng Nhật tuần tra trên không trong khu vực. Ngoài ra, các quan chức quốc phòng Nhật đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ về khả năng hợp tác sản xuất vũ khí với Malaysia và Indonesia, nguồn tin của Reuters cho hay.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã có các động thái thắt chặt quan hệ với Úc. Canberra mới đây đã gửi một quan chức quốc phòng sang Tokyo để cố vấn Nhật xây dựng quan hệ với Đông Nam Á, theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc xác nhận với Reuters rằng đã có một quan chức nước này sang làm việc tại Bộ Quốc phòng Nhật trong 18 tháng. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ vai trò của quan chức Úc tại Nhật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.