Báo động bức xạ vũ trụ

04/04/2018 16:00 GMT+7

Giới nghiên cứu cảnh báo cường độ bức xạ vũ trụ đang tăng mạnh so với trước đây, càng làm phức tạp hơn quá trình lên kế hoạch đưa người quay lại các chuyến du hành vũ trụ.

Theo báo cáo trên chuyên san Space Weather, các chuyên gia của Đại học New Hampshire (Mỹ) phát hiện bức xạ vũ trụ đang ngày càng độc hại với tốc độ nhanh hơn vẫn tưởng. Điều này có thể gây cản trở cho các nhà du hành trong những sứ mệnh tương lai và đe dọa hoạt động của các vệ tinh.
“Hàm lượng bức xạ đo được trong 4 năm qua cao hơn ít nhất 30% so với xu hướng của các chu kỳ mặt trời trước đó, cho thấy môi trường bức xạ đang ngày càng nguy hiểm hơn”, trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Nathan Schwadron cho biết. “Tình trạng bức xạ hạt như thế cung cấp thông tin quan trọng cho các chuyến du hành vũ trụ và thời tiết không gian, cần được nghiên cứu cẩn thận và tính toán khi lên kế hoạch và thiết kế những sứ mệnh tương lai đến mặt trăng, sao Hỏa, tiểu hành tinh và xa hơn nữa”, ông nói.
Sự nguy hiểm của bức xạ vũ trụ luôn là một trong những mối quan ngại hàng đầu đối với những kế hoạch du hành không gian. Trái đất lâu nay vẫn được bao bọc trong trường địa từ, lớp lá chắn hữu hiệu giúp bảo vệ sự sống khỏi sự tàn phá của bức xạ vũ trụ, nhưng các hành tinh như sao Hỏa không được may mắn như thế. Nếu bị phơi nhiễm trong thời gian dài, con người có thể mắc phải các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như ung thư phát sinh, cơ quan nội tạng bị phá hủy, không loại trừ tim, não và hệ thần kinh trung ương
Điều gì khiến hàm lượng bức xạ vũ trụ tăng mạnh trong thời gian gần đây? Giới khoa học phát hiện sự dao động này dựa trên chu kỳ hoạt động tự nhiên của mặt trời. Khi sao trung tâm của chúng ta ở trạng thái yếu nhất trong chu kỳ dao động khoảng 11 năm/lần, tình trạng bức xạ càng thêm nghiêm trọng do từ trường của mặt trời yếu đi khiến bức xạ thất thoát mãnh liệt vào không gian.
“Khi chúng ta bắt đầu đưa con người lên mặt trăng vào cuối thập niên 1960, chu kỳ hoạt động của mặt trời tương đối mạnh, nên cường độ bức xạ thấp hơn”, theo tờ The Boston Globe dẫn lời chuyên gia Schwadron. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng số lượng hạt đang dày đặc hơn trước.
Mức độ tác động của bức xạ vũ trụ đối với con người đã được chứng minh thông qua cuộc nghiên cứu phi hành gia song sinh do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiến hành, theo trang tin Space.com. Kết quả cho thấy gần 7% số gien của nhà du hành vũ trụ Scott Kelly đã thay đổi sau gần 1 năm cư trú liên tục trên Trạm không gian quốc tế (ISS), nếu so với anh em song sinh cùng trứng của ông là Mark Kelly ở trên mặt đất (vốn có gien tương đồng). Đây là cuộc nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho chuyến du hành dài ngày đến sao Hỏa, được dự kiến vào khoảng năm 2030. Các chuyên gia NASA hy vọng sẽ tìm được câu trả lời trước khi đưa con người chinh phục hành tinh khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.