Bão tố trong lòng quân đội Mỹ

04/03/2007 00:11 GMT+7

Người đứng đầu Lục quân Mỹ vừa buộc phải từ chức theo sau những bê bối tại trung tâm quân y Walter Reed. Sự kiện này không chỉ là cú sốc đối với Lầu Năm Góc mà còn phương hại đến uy tín của Nhà Trắng.

Nhân vật đứng đầu Lục quân Mỹ, ông F.Harvey, đã từ chức hôm 2.3 sau khi hứng chịu hàng loạt chỉ trích về tình trạng nhếch nhác tại Walter Reed, trung tâm quân y số 1 nước Mỹ. Trong loạt phóng sự cách đây hai tuần, Báo Washington Post cho biết một số người lính được điều trị tại Walter Reed phải sống trong những căn nhà đầy chuột và gián. Tờ báo còn cho hay tình trạng quan liêu tại đây đã khiến một số cựu chiến binh không được chăm sóc chu đáo. Thông tin tương tự cũng được Báo The Seattle Times đăng tải.

Đây thực sự là cú sốc lớn cho dân Mỹ khi họ biết rằng các quân nhân bị thương phải chịu đựng điều kiện tồi tệ. Một làn sóng chỉ trích đã bùng lên và hệ quả của nó là thiếu tướng G.Weightman, người đứng đầu Walter Reed, bị sa thải vào thứ năm vừa rồi. Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng R.Gates thông báo việc từ chức của nhân vật đứng đầu Lục quân. Washington Post cho biết ông Harvey, 63 tuổi, đã buộc phải từ chức sau khi Bộ trưởng Gates nổi giận với giới lãnh đạo Lục quân về cách thức xử lý các lời cáo buộc. "Tôi thất vọng về việc một số người trong Lục quân đã không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề liên quan tới việc chăm sóc bệnh nhân ngoại trú tại Walter Reed", ông Gates nói.

Mỹ chọn đầu đạn hạt nhân mới

Lần đầu tiên sau gần 20 năm, Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ đã chọn mẫu thiết kế đầu đạn hạt nhân mới. Theo Washington Post, đầu đạn mới được thiết kế dựa trên một phiên bản đã được thử nghiệm thành công hồi những năm 80.

Giới chức Mỹ cho biết loại đầu đạn này sẽ được triển khai vào năm 2012, thay thế cho đầu đạn tên lửa Trident sử dụng trên tàu ngầm.

Cũng vào cuối tuần này, Giám đốc Cục phòng thủ tên lửa H.Obering nói rằng Mỹ có thể sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Caucasus, khu vực chiến lược nằm gần biên giới phía nam nước Nga.

Cơn bão tại Lục quân không chỉ là vấn đề riêng của quân đội mà còn ảnh hưởng tới Nhà Trắng. Các cựu quân nhân là một trong số ít những nhóm ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tại Iraq và là chỗ dựa chính trị vững chắc của Tổng thống Bush. Tuy nhiên, giờ đây, khi mà giới cựu quân nhân cùng gia đình biết họ đã được đối xử như thế nào tại Walter Reed, có thể sự ủng hộ của họ dành cho ông Bush sẽ giảm.

J.Davis, phát ngôn viên Hội Cựu chiến binh Mỹ, cho biết làn sóng giận dữ đã lan ra khắp nước. Các nghị sĩ Dân chủ cũng chỉ trích gay gắt cái mà họ gọi là sự thiếu quan tâm đến nhu cầu của những người lính vừa trở về từ chiến trường. Ít nhất hai ủy ban tại Quốc hội sẽ điều tra đến nơi đến chốn vụ việc tại Walter Reed. Ủy ban Giám sát và Cải cách chính phủ của Hạ viện vừa công bố một báo cáo do viên chỉ huy đơn vị bảo vệ Walter Reed, đại tá P.Garibaldi, gửi tướng Weightman vào tháng 9.2006 trong đó có cảnh báo về tình trạng tồi tệ tại đây nhưng đã không được lãnh đạo của trung tâm giải quyết thấu đáo.

"Cơn bão" Walter Reed đã làm gia tăng áp lực đối với Tổng thống Bush trong thời điểm mà ông này đang theo đuổi kế hoạch tăng quân tại Iraq. Uy tín của Nhà Trắng cũng sẽ bị xói mòn bởi lần này không chỉ có đảng Dân chủ mà cả dân Mỹ, trong đó có những người Cộng hòa, tỏ rõ thái độ bất mãn trước sự tắc trách của quân đội.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.