Bầu cử tổng thống Pháp: Cử tri do dự, châu Âu hồi hộp

24/04/2017 00:00 GMT+7

Ngày 23.4, khoảng 47 triệu cử tri Pháp đến phòng phiếu để bỏ phiếu vòng 1 kỳ bầu cử tổng thống nước này.

Công tác kiểm phiếu chỉ được tiến hành sau 20 giờ ngày 23.4 (giờ Paris, 1 giờ sáng 24.4 giờ VN). Sau khi có kết quả, Tòa án Hiến pháp sẽ công bố chính thức vào ngày 26.4.
An ninh cao độ
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Pháp tăng cường tối đa an ninh sau vụ tấn công trước đó 3 ngày tại đại lộ Champs Élysée ở Paris làm 1 cảnh sát thiệt mạng. Theo Bộ Nội vụ nước này, hơn 50.000 cảnh sát, hiến binh và 7.000 binh sĩ được huy động để bảo vệ 67.000 phòng phiếu trên toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên một kỳ bầu cử tổng thống được tổ chức khi Pháp vẫn còn đang trong tình trạng khẩn cấp, được thiết lập từ sau vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tháng 11.2015 làm 130 người thiệt mạng.
Tuy có 11 ứng viên tranh cử, nhưng theo các thăm dò thì chỉ 4 ứng viên thật sự có khả năng giành quyền vào vòng 2 (nếu không ai đạt trên 50% số phiếu ở vòng 1) được tổ chức vào ngày 7.5. Đó là đại diện phong trào chính trị Tiến lên (EM) Emmanuel Macron, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen, cựu Thủ tướng François Fillon (đảng Những người Cộng hòa - LR) và đại diện phong trào Nước Pháp không khuất phục (FI) Jean-Luc Mélenchon.
Điều này cho thấy người Pháp đang muốn thay đổi toàn diện bộ mặt chính trị của nước này, với truyền thống tả - hữu mà 2 đảng lớn nhất là LR (cánh hữu, tên trước đây là UMP) và Xã hội (cánh tả) thay nhau cầm quyền từ nhiều thập niên qua.
Bầu cử tổng thống Pháp được tổ chức 5 năm/lần kể từ năm 2000 (trước đó là 7 năm/lần). Mọi công dân sinh tại nước này, từ 18 tuổi trở lên và được sự ủng hộ của 500 nghị sĩ, thị trưởng hoặc đại biểu hội đồng tỉnh, thành đều có thể ứng cử. Ở vòng 1, trong số các ứng viên (năm nay là 11 người), ai nhận được số phiếu với tỷ lệ đa số quá bán (trên 50%) sẽ trở thành tổng thống. Nếu không ai được tỷ lệ này thì 2 người cao phiếu nhất sẽ vào tiếp vòng 2, và ứng viên được số phiếu cao hơn ở vòng này sẽ đắc cử.
Cử tri lưỡng lự
Hai ngày trước khi bầu cử diễn ra, PV Thanh Niên gặp gỡ nhóm cử tri ủng hộ ông Macron khi họ đến quận 14 của Paris để vận động vào giờ chót. Chị Jeanne, một thành viên trong nhóm, chia sẻ: “Trước đây tôi vẫn bỏ phiếu cho đảng Xã hội, nhưng 5 năm nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande đất nước không có chuyển biến gì rõ rệt so với trước. Ông Macron là một người trẻ tuổi (40 tuổi - NV), không thuộc những đảng truyền thống và chương trình tranh cử của ông làm tôi tin tưởng sẽ mang lại sự thay đổi tích cực”.
Nhiều người Pháp đến giờ chót vẫn chưa thể đưa ra quyết định. Tỷ lệ cử tri không đi bầu hoặc bỏ phiếu trắng được dự đoán có thể rất cao, trên dưới 30%. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ những người đến phòng phiếu ngày 23.4 bỏ phiếu để “chống lại”, như ông Jean-François Demery chia sẻ với PV Thanh Niên tại điểm bỏ phiếu số 1 của quận 13, Paris: “Tôi và nhiều người quen của tôi bỏ phiếu là để chống lại một ứng viên chứ không vì thật sự ủng hộ ứng viên mà mình lựa chọn trong lá phiếu”.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hải, làm việc tại Paris, nhận định với Thanh Niên: “Theo dõi chính trị Pháp từ nhiều thập niên, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một số người gốc Việt công khai ủng hộ bà Le Pen dù biết bà ấy kỳ thị chủng tộc. Về cuộc bầu cử thì rất khó dự đoán, nhưng theo tôi, ông Fillon có chương trình tranh cử chi tiết và thực tế nhất”.
Châu Âu cũng hồi hộp chờ xem kết quả bầu cử tổng thống Pháp. Reuters nhận định kết quả vòng 1 có thể xác định tương lai của Liên minh Châu Âu (EU). Việc bà Le Pen có tỷ lệ ủng hộ cao khiến nhiều nước EU lo ngại, đặc biệt là Đức, vì bà này từng nhiều lần tuyên bố nếu trở thành tổng thống sẽ đề nghị trưng cầu dân ý về việc Pháp rời khỏi liên minh (Frexit). Nhiều báo Đức đã liên tục đăng bài về hiện tượng cực hữu tại Pháp. Gần đây, tờ Suddeutsche Zeitung có một bài phân tích dài với tựa đề Nguy cơ Le Pen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.