Bê bối vắc xin gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
24/07/2018 08:00 GMT+7

Hàng trăm ngàn liều vắc xin kém chất lượng được đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia để dùng cho trẻ em và đến nay vẫn chưa rõ tác hại.

Ngày 23.7, tờ China Daily đưa tin Cục Dược phẩm nhà nước Trung Quốc (SDA) đã tiến hành điều tra Công ty Changchun Changsheng Bio-tech, trụ sở ở tỉnh Cát Lâm, về hành vi làm giả hồ sơ liên quan điều chế vắc xin phòng bệnh dại.
Đích thân Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định bê bối vắc xin ở nước này đã “vượt qua lằn ranh đỏ về đạo lý” và công chúng cần phải nhận được câu trả lời rõ ràng. Ông Lý còn chỉ đạo Quốc vụ viện Trung Quốc lập tổ điều tra đặc biệt để tìm ra sự thật càng sớm càng tốt, đồng thời nhấn mạnh mọi hành động sai trái sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, bất kể người liên quan là ai. Theo thông báo của SDA, Changchun Changsheng
Bio-tech bị phát hiện làm giả dữ liệu liên quan đến khoảng 113.000 liều vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, nhà chức trách không công bố chi tiết và Phó cục trưởng SDA Từ Cảnh Hòa cũng chỉ khẳng định công ty này vi phạm nghiêm trọng luật quản lý thuốc và các quy định liên quan sản xuất dược phẩm của Trung Quốc.
Ngoài vắc xin phòng dại, Changchun Changsheng Bio-tech cũng vừa bị phạt 2,58 triệu nhân dân tệ (gần 8,8 tỉ đồng) vì sản xuất vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván (DPT) kém chất lượng. Theo China Daily, giới điều tra phát hiện công ty đã bán 252.600 liều vắc xin DPT dưới chuẩn cho Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh tỉnh Sơn Đông.
Trước đó, SDA công bố một nhà sản xuất vắc xin lớn khác của Trung Quốc là Viện Nghiên cứu sản phẩm sinh học Vũ Hán bán 400.520 liều vắc xin DPT kém chất lượng cho cơ quan y tế Trùng Khánh và Hồ Bắc. Tuy nhiên, cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý rốt ráo, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Trong cả hai trường hợp, vắc xin DPT dưới chuẩn đều được giới chức y tế địa phương mua để đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc cho trẻ em. Nhà chức trách cho biết vắc xin DPT kém chất lượng hoàn toàn không có tác dụng gì và hiện vẫn chưa rõ có gây hại hay không. Cho đến nay, chưa có báo cáo về trường hợp trẻ bị bệnh sau khi tiêm vắc xin “rởm”.
Theo SCMP, các vụ bê bối liên tiếp gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Nhiều người lên mạng bày tỏ mất lòng tin về vắc xin trong nước. Một người đàn ông họ Lâm ở thành phố Quảng Châu có con gái được tiêm 4 liều DPT do Changsheng và Viện Vũ Hán sản xuất, giận dữ nói ông không còn tin vào bất kỳ loại vắc xin nào được sản xuất nội địa và sẽ đưa con gái sang Hồng Kông tiêm phòng. “Tôi sẽ không cho con tiêm ở đại lục cho đến khi chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm túc để giải quyết vấn đề này”, ông Lâm nhấn mạnh. Tương tự, một phụ nữ họ Lý ở Thượng Hải cho hay bà sẽ chọn vắc xin nhập khẩu trong tương lai. “Vắc xin liên quan trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Vụ bê bối mới thật sự khiến tôi rất hoang mang”, bà chia sẻ với SCMP.
Sau vụ bê bối của Công ty Changchun Changsheng Bio-tech, báo chí Trung Quốc đồng loạt kêu gọi thắt chặt công tác giám sát quy trình sản xuất vắc xin và trừng phạt nặng đối tượng vi phạm. Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận kêu gọi chính phủ hành động để xoa dịu sự quan ngại của dư luận. Bài xã luận nhấn mạnh vụ bê bối đã khiến thêm nhiều người nghi ngờ về vắc xin nội địa trong bối cảnh niềm tin của người dân chỉ vừa được khôi phục từ vụ vắc xin quá hạn cách đây 2 năm. Khi đó, dư luận hết sức giận dữ khi giới chức phát hiện một lượng lớn vắc xin quá hạn và hư hỏng do bảo quản trong điều kiện không đảm bảo được tung ra thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.