Biến não người thành 'cảm biến' chiến đấu

12/09/2020 09:00 GMT+7

Quân đội Mỹ muốn hợp nhất trí thông minh nhân tạo và não người, biến bộ não người lính thành “cảm biến” trên chiến trường để tăng lợi thế trong cuộc chiến tương lai.

Theo Fox News dẫn một kịch bản trên chiến trường, một tổ lính đang di chuyển trên địa hình phức tạp và nhiệm vụ của họ là phải tìm được các xe thiết giáp của đối phương trong cảnh bom đạn dày đặc. Thế nhưng, họ phải làm gì nếu các mục tiêu đang phân tán và khuất tầm quan sát? Lựa chọn tối ưu là toán lính sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và máy tính để thu thập toàn bộ các thông tin cần thiết, sau đó đưa ra quyết định kịp thời, tối ưu trong vòng vài giây mà không cần phải tự thân vượt qua những chướng ngại vật nguy hiểm.

Kính thông minh của lính Mỹ

Theo trang Warrior Maven, quân đội Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu kính thông minh được cho có năng lực bù đắp một số giới hạn của mắt thường và nhanh chóng tổ chức dữ liệu của mục tiêu. Gọi là Hệ thống tích hợp tăng cường thị giác (IVAS), kính có màn hình có thể thiết lập biểu đồ hành trình của kẻ thù và thông báo vị trí hiện tại của đối phương. Binh sĩ đeo IVAS có thể nhìn xuyên qua môi trường nhiệt độ cao và đêm tối.
Một trong những câu trả lời cho viễn cảnh trên đang được các nhà khoa học của Phòng Nghiên cứu quân đội Mỹ (ARL - trụ sở tại Adelphi, bang Maryland) tìm cách giải đáp. Họ đang phát triển các thuật toán nhằm đo lường, xử lý, phân tích và chuyển đổi các tín hiệu điện - hóa của não người thành nội dung AI có thể hiểu được, theo The National Interest dẫn lời nhà nghiên cứu John Touryan của ARL.
Nói cách khác, họ đang tìm cách biến những người lính thành “cảm biến” thu thập thông tin thực chiến và chia sẻ với mạng lưới dữ liệu chung. Để làm được điều này, đội ngũ chuyên gia tích hợp cảm biến theo dõi chuyển động mắt vào kính thông minh của người lính trên chiến trường. Kế đến, họ đẩy mạnh phát triển mạng lưới thuật toán AI để có thể tiếp nhận tín hiệu xung điện do não người đeo kính phát ra.
Chuyên gia Touryan giải thích, khi mắt người phát hiện điều gì đó gây chú ý, nó sẽ truyền tín hiệu về não bộ. “Chúng tôi muốn biết liệu có thể đo đạc hoặc phân tích nội dung của tín hiệu đó hay không”, ông nói. Từ đây, các cảm biến theo dõi hoạt động điện - hóa ở não được kỳ vọng sẽ nắm bắt phản ứng của não người lính thậm chí trước khi bản thân họ có thể kịp nhận ra mình đang nhìn cái gì. Bằng việc xử lý các tín hiệu não bộ của nhiều người lính khác nhau, hệ thống AI sẽ lập tức tính toán các thông số liên quan, và điều chỉnh dựa trên các tín hiệu biến thiên tại hiện trường, từ địa hình, thời tiết, tình trạng tâm sinh lý của binh sĩ đến phản ứng của đồng đội, theo trang Warrior Maven.
Dựa trên kết quả phân tích, trung tâm chỉ huy sẽ điều động máy bay hoặc thiết bị bay không người lái (UAV/drone) đến điểm xảy ra đụng độ. UAV/drone sẽ tự động đưa ra các quyết định nhanh chóng và phù hợp nhất tùy theo tình huống tại hiện trường, từ đó nâng cao xác suất giành thắng lợi trong điều kiện chiến đấu.
Hơn thế nữa, bằng việc hoạch định dựa trên cơ sở dữ liệu được tích hợp từ nhiều người lính, đồng thời kết hợp các ghi chép về những mối đe dọa trong quá khứ trên chiến trường, hệ thống máy tính AI có thể cảnh báo binh sĩ về nguy cơ mà họ có thể đối diện. Bên cạnh đó, chuyên gia Touryan còn đề cập một năng lực khác được kỳ vọng của AI, mà ông gọi là “phát hiện điểm mù”, nhằm giảm tối thiểu nguy cơ tổn hại sinh mạng trong trận chiến.
Fox News dẫn lời tiến sĩ Corde Lane, Giám đốc đơn vị Nghiên cứu và kỹ thuật con người thuộc Ban Chỉ huy phát triển năng lực chiến đấu của ARL, cho hay: “Điều mà chúng tôi mong muốn đạt đến là AI sẽ “hiểu được” con người chứ không hành xử cứng nhắc như một cỗ máy truyền thống. Chúng tôi muốn AI hiểu được cách thức những người lính phản ứng trong thế giới hiện thực”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.