Nếu 2010 được xem là năm “bội thu” của cướp biển Somalia, năm 2011 đã bắt đầu chẳng mấy thuận lợi với chúng. Dù cướp được thêm 4 tàu từ đầu năm, hải tặc Somalia đã dính đòn nặng sau khi các đội đặc nhiệm Hàn Quốc và Malaysia triển khai chiến dịch chớp nhoáng giải cứu tàu thuyền bị cướp trong tuần qua. Giới phân tích cho rằng chiến thuật chống cướp biển có thể sẽ thay đổi, nhưng hải tặc cũng sẽ không ngần ngại trở nên tàn nhẫn hơn để đối phó.
Những cuộc giải cứu ngoạn mục
Hàn Quốc hôm 23.1 công bố đoạn băng dài 4 phút rưỡi quay cảnh đặc nhiệm nước này giải cứu thành công tàu Samho Jewelry lọt vào tay hải tặc trên biển Ả Rập. Yonhap dẫn lời trung tướng Lee Seong-ho cho hay chiến dịch “Hừng đông trên vịnh Aden” đã được triển khai sau khi bọn cướp biển tỏ vẻ kiệt sức sau nhiều ngày bị tàu khu trục Choi Young truy đuổi. Bên cạnh đó, tin tức tình báo cho thấy một tàu mẹ của bọn cướp biển đã rời cảng Somalia, chuẩn bị tiếp thêm lực lượng cho đồng bọn trên tàu Samho Jewelry.
Từ trước đến nay, lực lượng quân đội chủ yếu ngăn chặn cướp biển tấn công tàu bè chứ ít khi tấn công giải cứu. Nay, họ quyết định hành động cứng rắn hơn bởi cướp biển ngày càng trở nên táo bạo và liều lĩnh hơn | ||
DAVID JOHNSON, Giám đốc Công ty đánh giá rủi ro Eos tại Anh | ||
Cũng vào ngày 21.1, hải quân Malaysia đã chặn đứng âm mưu cướp tàu của hải tặc ngoài khơi vịnh Aden, giải cứu 23 thuyền viên và bắt sống 7 tên cướp biển. Theo Reuters, tàu chở hóa chất trị giá gần 10 triệu USD tên MT Bunga Laurel đang di chuyển ở vị trí cách Oman 480 hải lý về phía đông thì bị cướp biển tấn công. Sau khi nhận được lời kêu cứu khẩn cấp từ tàu Bunga Laurel, tàu hải quân Malaysia Bunga Mas 5 có mặt gần đó phóng hết tốc lực đến nơi hỗ trợ. Những vụ đọ súng đã diễn ra giữa bọn cướp biển với lính đặc nhiệm trên tàu Bunga Mas và trực thăng chiến đấu Fennec. Cuối cùng, nhóm hải tặc bị thương nặng và đầu hàng qua radio.
Chiến thuật thay đổi?
2010: Năm của cướp biển Bất chấp số lượng tàu chiến hiện đại tuần tra dày đặc tại Ấn Độ Dương, hải tặc Somalia vẫn hoạt động nhộn nhịp trong năm 2010. Theo thống kê của Cục Hàng hải quốc tế, hải tặc đã bắt giữ số lượng con tin kỷ lục là 1.016 vào năm ngoái, khống chế 49 tàu. Hiện còn khoảng 31 tàu nằm trong tay bọn cướp. Bên cạnh 713 thủy thủ vẫn đang bị giam giữ, 13 thủy thủ đã bị thương và 8 người thiệt mạng trong những vụ liên quan đến cướp biển trong năm qua. |
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng với hành động quyết liệt của hải quân Hàn Quốc và Malaysia, chiến thuật đối phó cướp biển có thể sẽ thay đổi. “Từ trước đến nay, lực lượng quân đội thường chủ yếu ngăn chặn cướp biển tấn công tàu bè chứ ít khi tấn công giải cứu. Nay, họ quyết định hành động cứng rắn hơn bởi cướp biển ngày càng trở nên táo bạo và liều lĩnh hơn”, AP dẫn đánh giá của David Johnson, Giám đốc Công ty đánh giá rủi ro Eos tại Anh. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng bọn cướp biển cũng có thể thay đổi chiến thuật và dùng con tin làm bia đỡ đạn nếu các lực lượng hải quân hành xử mạnh tay hơn.
Trong khi đó, điên tiết trước hành động của hải quân Hàn Quốc, bọn cướp biển Somalia thề sẽ giết sạch các thủy thủ gốc Hàn chúng bắt được trong tương lai để trả thù. “Bọn ta sẽ không bao giờ chấp nhận tiền chuộc từ tàu Hàn Quốc mà sẽ giết chết toàn bộ thủy thủ và đốt tàu ra tro”, một cướp biển tự xưng là Mohammed nói với Reuters qua điện thoại. Sau khi đơn vị Cheonghae giải cứu tàu hàng Samho Jewelry, bọn cướp đã chuyển một số con tin từ những tàu mà bọn chúng cướp vào một trại trong đất liền vì lo ngại các lực lượng hải quân khác có thể thực hiện cuộc giải cứu tương tự, cướp biển tên Hussein cho Reuters hay.
Thụy Miên
Bình luận (0)