Campuchia: Biến quá khứ đau thương thành sản phẩm mỹ nghệ

23/07/2006 23:01 GMT+7

Chantha đang sử dụng đèn xì để cắt một loạt vòng đeo tay từ một chiếc "bình" lớn bằng đồng. Những chiếc vòng thô ráp này sau đó sẽ được đánh bóng và chạm khắc những hoa văn cây lá phức tạp theo mẫu tại ngôi đền cổ Angkor Wat. Sau khi hoàn thành chúng được bày bán tại cửa hàng Hiệp hội Rajana ở tầng dưới xưởng sản xuất với giá khoảng 25 USD/chiếc.

Nguyên liệu thô dùng để tạo ra những món đồ trang sức nói trên thực tế được khai thác từ phần ngoài của một vỏ đạn pháo. Việc đưa những hoa văn cổ vào những sản phẩm nghệ thuật được chế tạo từ các tàn dư của chiến tranh được coi như là một hình ảnh cho việc biến những quá khứ đau thương của Campuchia thành một điều gì đó mang ý nghĩa tích cực hơn: đó là đem lại kỹ năng và thu nhập cho những nạn nhân của thảm họa diệt chủng. Hơn thế nữa, những sản phẩm này còn được coi như dấu hiệu về khả năng hồi phục của một dân tộc đã chịu thương đau từ một trong những thảm họa lớn nhất của loài người trong thế kỷ XX.

Cũng giống như nhiều người khác làm việc cho Hiệp hội Rajana, Chantha, 26 tuổi, vốn là một trẻ mồ côi. Không có gia đình cũng như tiền bạc, điều tốt nhất Chantha có thể hy vọng là trở thành một nông dân. Nhưng Rajana đã đề nghị anh một cơ hội học nghề để trở thành một thợ bạc năm anh 17 tuổi. Chín năm sau, Chantha đã trở thành người quản lý cho một nhóm thợ bạc tại chi nhánh Rajana ở Phnom Penh. Sáu tháng qua, Chantha đã tự học môn thiết kế đồ họa và anh đã thiết kế trang web cho Rajana.

Những công nhân làm việc tại Rajana được học cả về văn hóa Capumchia và cách thể hiện văn hóa ấy lên trên sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, một công nhân học nghề có thể kiếm khoảng 65 USD. Vì đây là tổ chức phi lợi nhuận, Rajana sẽ tái đầu tư những khoản tiền thu được vào công ty và huấn luyện công nhân mới. Từ một cửa hàng nhỏ tại Phnom Penh, Rajana đã phát triển lên các chi nhánh ở Siem Reap (nơi có khu đền Angkor Wat) và Sihanoukville. Ngoài những sản phẩm do các công nhân của mình làm ra, Rajana cũng kinh doanh cả những sản phẩm thủ công từ hàng nghìn ngôi làng trên khắp đất Campuchia.

Trung Hà (theo Kevin Sites, Yahoo News)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.