Ngày 16.3, Đại học Cần Thơ và Học viện Hoàng gia Campuchia phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Tiết kiệm nguồn nước sông Mê Kông cho nông nghiệp" tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia Campuchia và Việt Nam đang lo ngại về những thay đổi thất thường của nguồn nước ở thượng nguồn ảnh hưởng đến nông nghiệp và thủy sản trong khu vực.
Tiến sĩ Nouth Sambath, đại diện Học viện Hoàng gia Campuchia, cho biết nguồn nước khu vực sông Mê Kông đang bị tác động bởi nhiều yếu tố và các nhà khoa học cần ngồi lại để cùng nhau tìm giải pháp. “Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng trở nên quan trọng, cần có giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp, cũng như duy trì sự phát triển bền vững”, ông nói.
tin liên quan
Sông Mê Kông kêu cứuNhiều năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự tác động của các quốc gia phía thượng nguồn đã khiến hạ nguồn Mê Kông cạn kiệt, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân.
Cũng tại hội thảo, tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh nguồn nước khu vực sông Mê Kông có vai trò rất quan trọng đối với nông nghiệp, thủy sản, thương mại, giao thông và phát điện. “Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng về nguồn nước sông Mê Kông, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, cần có tiếng nói kêu gọi tiết kiệm nước cho nông nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu gia tăng từ công nghiệp và đô thị, cũng như bảo đảm tính bền vững của môi trường”, ông phát biểu.
Theo tiến sĩ Toàn, cần tối ưu hóa việc sử dụng nước trong tưới tiêu bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại. Hiện nay, ĐBSCL đối mặt nhiều thách thức không chỉ từ biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm mà còn từ việc xây các đập thủy điện ở thượng nguồn. Một trong những ảnh hưởng lớn là mất mát nguồn thủy sản do không còn nơi cho chúng sinh sản vào mùa khô, ít nước hơn và việc khai thác cũng chưa đảm bảo bền vững.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề thiếu nguồn nước sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến nông dân Campuchia và Việt Nam. Học viện Hoàng gia Campuchia và Đại học Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các nghiên cứu, chia sẻ thông tin, đào tạo nhân sự… nhằm đối phó với các thách thức này”, tiến sĩ Toàn phát biểu.
tin liên quan
Sông Mê Kông kêu cứu: Dòng chảy thất thường, thủy sản cạn kiệtCách đây 10 - 15 năm, ngư dân mỗi ngày đánh bắt được hơn 100 kg cá tôm trên sông Mê Kông, còn ngày nay cố gắng lắm mới kiếm được vài ký.
Bình luận (0)