Căn cứ Mỹ đào tạo phi công máy bay T-6 đầu tiên của Việt Nam

04/06/2019 20:45 GMT+7

Ngày 31.5.2019, Căn cứ không quân Columbus (bang Mississippi, Mỹ) tổ chức lễ tốt nghiệp cho 34 phi công Mỹ và nước ngoài thuộc khóa đào tạo 19-10/16. Trong số này có 1 phi công Việt Nam là thượng uý Đặng Đức Toại.

Tài khoản Facebook của căn cứ Columbus cũng ghi nhận “34 phi công quân sự vừa tốt nghiệp thuộc loại giỏi nhất thế giới đến từ Không quân Mỹ và lần đầu tiên đến từ Việt Nam!”. Tại buổi lễ, thượng úy Toại vừa nhận bằng tốt nghiệp vừa nhận kỷ niệm chương đào tạo quốc tế dành cho phi công nước ngoài.

Phi công Đặng Đức Toại (bìa trái, hàng thứ hai) chụp ảnh chung cùng khóa tốt nghiệp, ngày 31.5.2019 FB căn cứ không quân Columbus

Thông tin từ Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết thêm thượng úy Toại là phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không quân Mỹ. Ngoài ra còn có trung úy Doãn Văn Cảnh hiện đang theo học Chương trình Lãnh đạo Hàng không tại căn cứ nói trên.

Phi công Đặng Đức Toại nhận bằng tốt nghiệp, ngày 31.5.2019 FB căn cứ không quân Columbus

Theo nội dung bức ảnh trên FB của căn cứ Columbus, Thượng uý Đặng Đức Toại tham dự khóa đào tạo 19-10/16, từ 18.12.2017 đến 31.5.2019. Thông tin cũng cho biết thượng úy Toại phục vụ trong Lữ đoàn không quân 918, lái máy bay vận tải CASA C-295 (hãng Airbus chế tạo).

Phi công Đặng Đức Toại nhận kỷ niệm chương của căn cứ không quân Columbus, ngày 31.5.2019 FB căn cứ không quân Columbus

Phi công lái máy bay huấn luyện T-6 đầu tiên

Việc phi công Việt Nam được đưa sang Mỹ tham dự các khóa đào tạo như trên xuất phát từ việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Mỹ đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay T-6 vốn sử dụng trong huấn luyện bay cho thấy khả năng nước này sẽ cung cấp máy bay T-6 cho Việt Nam.

Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào ngày 1.6.2018, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis. Tại hội đàm, ông Mattis cho biết Mỹ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên.

Chuẩn bị bay huấn luyện với máy bay huấn luyện T-6A Texan II tại căn cứ Columbus FB căn cứ không quân Columbus

Đến ngày 12.2.2019, Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (USINDOPACOM) cho hay USINDOPACOM ưu tiên hỗ trợ củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam qua việc hỗ trợ Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái Scan Eagle (hãng Insitu thuộc Boeing chế tạo), máy bay huấn luyện T-6 Texan (hãng Beechcraft) và chiếc tàu tuần tra thứ hai từ Lực lượng tuần duyên Mỹ.

Như vậy sắp tới Không quân Việt Nam sẽ có thêm chủng loại máy bay huấn luyện T-6 phục vụ việc đào tạo phi công.

Căn cứ đào tạo phi công 78 tuổi

Căn cứ không quân Columbus thành lập từ năm 1941, ban đầu dùng để huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, thuộc quản lý của Bộ tư lệnh huấn luyện hàng không (ATC). Đến năm 1955, căn cứ này được bàn giao cho Bộ tư lệnh không quân chiến lược. Căn cứ trở thành nơi bố trí các oanh tạc cơ chiến lược B-52 và các máy bay tiếp dầu KC-135. Vào tháng 7.1969, căn cứ Columbus được giao về lại ATC, quay về chức năng ban đầu là huấn luyện đào tạo phi công.

Hiện nay tại căn cứ Columbus, Không đoàn huấn luyện bay số 14 là đơn vị đào tạo phi công cho Không quân Mỹ và một số nước.

Một buổi bay huấn luyện với T-6A Texan II trên bầu trời Columbus FB căn cứ không quân Columbus

Cụ thể, Không đoàn 14 với 6 phi đoàn chịu trách nhiệm đào tạo phi công thuộc chương trình đào tạo phi công chuyên ngành (SUPT) về các kỹ năng bay cơ bản, kéo dài trong 52 tuần lễ. Loại máy bay dùng huấn luyện hiện nay là T-6A Texan II do Beechcraft sản xuất.

Phi công học viên đang thực tập làm kế hoạch bay Website Columbus AFB

Phi công hầu như học bay hàng ngày, trung bình tại căn cứ có 6 ca học bay mỗi ngày với huấn luyện viên. Mỗi ca có khoảng 15 phi công và huấn luyện viên. Một huấn luyện viên bay khoảng 2 ca/ngày với học viên, HLV ít giờ bay hơn sẽ bay đến 3 ca. Học viên ngoài giờ học bay thì nghiên cứu bay trên mô hình máy tính, làm báo cáo kế hoạch bay...

Không quân Mỹ những năm 1980 gọi thầu máy bay huấn luyện mới để thay thế loại máy bay huấn luyện T-37, T-38 có từ những năm 1960. Máy bay T-6A do hãng Beechcraft chế tạo đã thắng thầu và đi vào sản xuất từ năm 2000.

T-6A Texan II là loại máy bay 2 chỗ ngồi, 1 động cơ cánh quạt, dài 10,16 m, sải cánh 10,19 m, tốc độ tối đa 500 km/giờ, trần bay tối đa 9.440 m, tầm bay 1.660 km. Giá mỗi chiếc khoảng 4,3 triệu USD. Máy bay T-6A được dùng để huấn luyện đào tạo cơ bản cho phi công quân sự thuộc Không quân và Hải quân Mỹ, từ đó phát triển lên lái trực thăng, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, trinh sát và tiếp dầu.

Máy bay huấn luyện T-6A Texan II tại căn cứ Columbus FB căn cứ không quân Columbus
Xem T-6A Texan II cất và hạ cánh tại căn cứ Columbus (nguồn: Không quân Mỹ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.