Căng thẳng eo biển Đài Loan xưa và nay: Điểm nóng chạy đua vũ trang

31/08/2020 00:00 GMT+7

Gần đây, cả Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan đều đẩy mạnh hoạt động quân sự , tăng cường vũ khí khiến tình hình eo biển Đài Loan thêm nóng.

Bối cảnh phức tạp

 
“Hiện tại, tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng khi Trung Quốc đại lục đẩy mạnh những biện pháp cứng rắn đối với Đài Loan. Bắc Kinh tăng cường biện pháp cô lập Đài Bắc về mặt ngoại giao. Bắc Kinh cũng từ chối việc từ bỏ sử dụng biện pháp quân sự để thống nhất Đài Loan”, TS Fabrizio Bozzato - nhà nghiên cứu tại Đại học Sapienza của Rome (Ý), Chuyên gia tại Đại học Chính trị Đài Loan - đưa ra nhận xét này khi trả lời Thanh Niên hôm qua 30.8.
Chuyên gia này cũng dẫn lại rằng ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, cách đây chưa lâu đã tái nhấn mạnh sử dụng sức mạnh quân sự cũng là một chọn lựa cho vấn đề Đài Loan.

Chủ tịch Tập Cận Bình: Đài Loan độc lập sẽ là "thảm họa"

Bên cạnh đó, TS Bozzato còn chỉ ra một nguy cơ gây bất ổn ở Đài Loan là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện sự thách thức đối với chính sách “Một Trung Quốc”. Đây là chính sách mà Bắc Kinh vẫn luôn xem như “làn ranh đỏ”, không thể đàm phán nhằm nhấn mạnh Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự

Chủ tịch Thượng viện CH Czechthăm Đài Loan, Bắc Kinh phản ứng

Chủ tịch Thượng viện CH Czech Milos Vystrcil hôm qua 30.8 đến thăm Đài Loan, bất kể sự chỉ trích gay gắt từ chính quyền Trung Quốc đại lục. Ông Vystrcil cùng phái đoàn bao gồm Thị trưởng TP.Praha, ông Zdenek Hrib và hơn 80 đại diện của chính phủ, doanh nghiệp và học viện có chuyến thăm Đài Loan trong 5 ngày. Theo AFP, ông Vystrcil sẽ phát biểu tại Lập pháp Viện Đài Loan và hội đàm với lãnh đạo Thái Anh Văn. Ngay khi phái đoàn đến sân bay, bà Thái bình luận trên Twitter rằng Đài Loan - CH Czech “chia sẻ nhiều giá trị cốt lõi và chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực".
Hồi tuần rồi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc chuyến thăm của ông Vystrcil phá hoại nền tảng chính trị trong mối quan hệ Trung Quốc - CH Czech.
Phúc Duy
“Những năm gần đây, các nhà phân tích an ninh đã đặt ra những lo ngại khi Bắc Kinh không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự với tốc độ hiện đại hóa quân đội rất nhanh. Cán cân quân sự giữa 2 bờ eo biển ngày càng nghiêng về phía đại lục trong nhiều năm tới”, TS Bozzato đặt vấn đề và phân tích: “Gần đây, Bắc Kinh liên tục bố trí tên lửa dọc eo biển Đài Loan và thường xuyên tổ chức tập trận gần đảo Đài Loan”.
Đáp lại, theo TS Bozzato, Đài Bắc tiếp tục mua vũ khí của Mỹ. Trong tháng 8, bà Thái Anh Văn đã dự lễ khánh thành trung tâm sửa chữa, bảo trì chiến đấu cơ F-16 ở thành phố Đài Trung. Cơ sở này chịu trách nhiệm nâng cấp 142 chiến đấu cơ F-16 mà Đài Loan đang sở hữu, cũng như bảo trì và sửa chữa 66 chiếc F-16 mà Đài Loan đặt mua từ Mỹ.

Liên quan 66 chiến đấu cơ F-16 vừa nói, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14.8 thông báo vừa hoàn tất thủ tục cho hợp đồng này. Cũng trong tháng 8, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (AGM-84).

Vì sao căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan?

Harpoon là “sát thủ diệt hạm” khá nổi tiếng của Mỹ và được nhiều nước sử dụng, hiệu quả tác chiến cao. Trước đó, vào tháng 5, Reuters đưa tin Đài Bắc đang thương lượng với Washington để mua thêm tên lửa Harpoon phiên bản trên đất liền. Như thế, với số tàu chiến đã được trang bị tên lửa Harpoon, Đài Bắc đang hướng đến khả năng phối hợp hỏa lực “sát thủ diệt hạm” từ trên biển lẫn đất liền và trên không.
Ngoài ra, đầu tháng 8, Reuters loan tin Đài Bắc đang đàm phán với Washington để đặt đơn hàng gồm 4 máy bay không người lái (UAV) cùng trạm điều khiển mặt đất với tổng trị giá khoảng 600 triệu USD. Loại UAV mà Đài Loan muốn mua là SeaGuardian - một phiên bản của dòng Predator B (tức MQ-9 Reaper) có khả năng mang theo hàng tấn vũ khí. Ngoài ra, Đài Bắc còn muốn mua thủy lôi và tên lửa hành trình của Mỹ.
Về năng lực nội địa, cuối tháng 6, bà Thái Anh Văn tham gia chứng kiến buổi bay thử máy bay huấn luyện kiêm tiêm kích hạng nhẹ Dũng Ưng (AT-5) do Đài Loan tự phát triển.

Căng thẳng quân sự dâng cao

Trong bối cảnh trên, cả hai bờ eo biển Đài Loan gần đây liên tục tiến hành các cuộc tập trận với nhiều quy mô khác nhau. Từ đầu năm đến nay, Đài Loan nhiều lần tổ chức tập trận với nội dung giả định là đối phó các cuộc tấn công đổ bộ vào đất liền và tấn công đường không. Giữa tháng 7, các lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không của Đài Loan phối hợp tập trận bắn đạn thật theo kịch bản chống trả cuộc xâm lấn từ bên ngoài.
Ngược lại, Trung Quốc nhiều lần tổ chức các cuộc tập trận không quân với cả tập trận tấn công đổ bộ. Như đã nói, các cuộc tập trận của Trung Quốc bao gồm máy bay tiêm kích, oanh tạc cơ, máy bay trinh sát, săn ngầm... Đài Loan đã nhiều lần điều động chiến đấu cơ xuất kích để can thiệp hoạt động của các máy bay quân sự Trung Quốc gần đảo này.
Hồi tháng 4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua kênh Ba Sĩ để tiến về phía nam của Biển Đông. Hải trình này được cho là mang ý nghĩa diễn tập mang tính “thị uy” về sức mạnh quân sự gần đảo Đài Loan. Cuối tháng 8, Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận ở khu vực Hoàng Hải gần eo biển Đài Loan.
Không chỉ tập trận, đầu tháng 8, tờ South China Morning Post và một số đơn vị truyền thông đăng tải hình chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai xe bọc thép đổ bộ Type-05, các hệ thống tên lửa - pháo phản lực đa nòng PHL-16 và PCL-191 đã được điều động đến Chiến khu miền Đông của nước này. Chiến khu miền Đông vốn dĩ chịu trách nhiệm khu vực eo biển Đài Loan.
PCL-191 là hệ thống phóng đa nòng với mỗi phương tiện vận chuyển có thể tích hợp 8 ống phóng pháo phản lực 370 mm có tầm bắn 350 km, hoặc 2 ống phóng tên lửa 750 mm tầm bắn lên đến 500 km. Hệ thống PHL-16 thì có thể khai hỏa pháo phản lực 370 mm với tầm bắn lên đến 220 km. Trong khi đó, khoảng cách hai bờ eo biển Đài Loan chỉ 180 km, nên PHL-16 lẫn PCL-191 đều có thể tấn công nhiều điểm ở đảo Đài Loan.
Những động thái trên của Bắc Kinh được giới chuyên gia phân tích là nhằm “cảnh cáo” Đài Bắc về việc đại lục có thể triển khai hoạt động quân sự sang Đài Loan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.