Căng thẳng vì trẻ con tiểu bậy

26/04/2014 09:00 GMT+7

Những tranh cãi gay gắt về việc một cặp vợ chồng đến từ Trung Quốc đại lục cho con phóng uế trên phố tại Hồng Kông đang làm tình hình trở nên căng thẳng.

Những tranh cãi gay gắt về việc một cặp vợ chồng đến từ Trung Quốc đại lục cho con phóng uế trên phố tại Hồng Kông đang làm tình hình trở nên căng thẳng.

 Căng thẳng vì trẻ con tiểu bậy
Cảnh gây gổ giữa cặp vợ chồng cho con phóng uế với người dân Hồng Kông - Ảnh chụp từ clip

Ngày 25.4, tờ South China Morning Post (SCMP) đăng bài xã luận cảnh báo vụ một cặp vợ chồng từ Trung Quốc đại lục cho đứa con 2 tuổi phóng uế ngay trên một con phố nhộn nhịp ở Hồng Kông có thể khiến bất hòa, căng thẳng giữa đại lục và đặc khu này càng bị khoét sâu. Vụ việc xảy ra hồi giữa tuần rồi nhưng đến nay mới được thông tin rộng rãi. Theo đó, khi cặp vợ chồng nói trên đang để con đi tiểu bên vệ đường ở Vượng Giác, một trong những khu vực sầm uất nhất Hồng Kông, thì bị hai người đàn ông địa phương bắt gặp và dùng máy ảnh chụp lại. Người chồng lập tức giằng lấy máy ảnh rồi bỏ đi nhưng bị chặn lại, dẫn đến giằng co quyết liệt. Ẩu đả đã xảy ra khi hai người Hồng Kông cố ngăn cặp vợ chồng rời khỏi hiện trường để chờ cảnh sát đến. Nhiều người qua đường cũng dừng lại xem, mỗi người góp một câu khiến không khí trở nên cực kỳ căng thẳng. Một cư dân mạng bình luận nếu cảnh sát không đến kịp thì không biết chuyện gì đã xảy ra. Dù cặp vợ chồng kia cố giải thích rằng nhà vệ sinh công cộng có quá nhiều người nên họ đành phải cho con “giải quyết” ngay trên đường, nhưng đã bị tạm giữ với cáo buộc cướp giật và tấn công người khác. Sau đó, theo SCMP, người chồng được thả, còn người vợ phải đóng tiền bảo lãnh và phải đến trình diện vào giữa tháng 5 để phục vụ điều tra.

 

AP dẫn kết quả khảo sát 2.200 người ở thành phố Chiang Mai của Thái Lan cho hay 80% số người được hỏi nói họ không hài lòng với hành vi của du khách Trung Quốc. Theo đó, du khách nước này đến Chiang Mai bị cho là hành xử, nói năng ồn ào, cho trẻ con phóng uế nơi công cộng và vi phạm quy định nơi tham quan. Theo tờ Bangkok Post, nhiều du khách Trung Quốc lẻn vào lớp học tại ĐH Chiang Mai để chụp ảnh và viết vẽ lên nền gạch. Cũng theo AP, giới quản lý Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) phải đề bảng bằng tiếng Hoa cảnh báo không được phóng uế trong khu vực.

Minh Trung

Vụ việc trở thành chuyện lớn khi đoạn clip quay lại cảnh giằng co, ẩu đả được tung lên mạng và báo chí đại lục vào cuộc. Hoàn Cầu thời báo đăng xã luận chỉ trích hành động chụp hình đứa trẻ đang tè là “kém văn minh” hơn cả hành vi của cặp vợ chồng, còn Nhân Dân nhật báo cho rằng cả cha mẹ bé lẫn những người Hồng Kông liên quan cần “nâng cao tính văn minh”. Trong khi đó, nhiều cư dân mạng đại lục phản ứng khá giận dữ, có người còn kêu gọi trên mạng xã hội rằng dân đại lục hãy đồng loạt đưa con đến Hồng Kông tiểu ngoài đường “nhằm cho họ thấy đó là chuyện bình thường”.

Bấc ném đi, chì ném lại

Một bộ phận dư luận Hồng Kông chỉ trích rằng vụ mới nhất chứng tỏ “nói người đại lục kém văn minh thì có gì là oan ức đâu”, trong khi dân đại lục tiếp tục cáo buộc dân Hồng Kông “phân biệt đối xử và ngạo mạn”. Trước đó, truyền thông Hồng Kông cũng từng nổi sóng với các trường hợp một gia đình từ đại lục thản nhiên cho con trai đi tiểu vào chai nước giữa một nhà hàng đông đúc ở đặc khu này, hoặc một phụ nữ cho con ăn mì và làm rơi vãi trên tàu điện ngầm, theo AFP. Quy định của Hồng Kông cấm ăn uống trên tàu điện nên nhiều người rất khó chịu, phản ứng với phụ nữ trên. Bà này cũng không vừa, lập tức cãi lại và vụ việc trở nên ầm ĩ. Truyền thông phương Tây dẫn lời một số chuyên gia nhận định cảnh hai bên, kẻ dùng tiếng phổ thông, người nói tiếng Quảng gây nhau đỏ mặt tía tai là hình ảnh tiêu biểu cho sự khác biệt và mâu thuẫn giữa dân Hồng Kông và đại lục.

Sau vụ tàu điện, tranh cãi càng bị thổi bùng lên khi Giáo sư Khổng Khánh Đồng của ĐH Bắc Kinh không tiếc lời miệt thị nhiều người Hồng Kông rằng “không coi mình là người Trung Quốc, là chó của người Anh”. Đáp lại, một nhóm ẩn danh ở Hồng Kông góp 13.000 USD để đăng một quảng cáo nguyên trang trên tờ Apple Daily mô tả dân Trung Quốc đại lục là “đàn châu chấu”, ám chỉ việc nhiều người đại lục đổ xô đến Hồng Kông, gây xáo trộn xã hội và ảnh hưởng đến nguồn lực của đặc khu.

Theo giới quan sát, những vụ việc nói trên có thể là bằng chứng cho những đứt gãy khó giải quyết giữa Hồng Kông và đại lục dù vùng lãnh thổ này được Anh trao trả đã gần 17 năm. Giáo sư Trần Lợi Quân, thuộc ĐH Tôn Trung Sơn, nhận định với Hoàn Cầu thời báo: “Đại lục vẫn chưa thể thu phục trái tim và tâm trí người dân đặc khu vì những khác biệt về hệ thống chính trị lẫn đặc điểm xã hội”. Đây được cho là biểu hiện bên ngoài về lo ngại của một bộ phận dư luận Hồng Kông rằng trung ương can thiệp quá sâu vào nội bộ của đặc khu, nhất là về chính trị. Ngày 1.1.2014, khoảng hơn 10.000 người tham gia tuần hành ở Hồng Kông nhằm kêu gọi bảo đảm dân chủ. Từ khi được trả lại vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp nhưng một bộ phận người dân không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục. AFP dẫn kết quả khảo sát của ĐH Hồng Kông cho thấy “tiến bộ về chính trị” đứng thứ 2 sau giá nhà tăng cao trong danh sách các vấn đề mà người dân đặc khu cho rằng chính quyền cần quan tâm giải quyết trong năm 2014.

Văn Khoa

>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Quan chức pháp y Trung Quốc từ chức trước phiên xử Bạc Hy Lai
>> Trung Quốc lên giọng trước hội đàm với Mỹ
>> Bị đối tác Trung Quốc chơi xấu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.