Cảnh báo từ xung đột thương mại Mỹ - Trung

Văn Khoa
Văn Khoa
13/01/2019 10:30 GMT+7

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra dự đoán không mấy lạc quan về khu vực nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ South China Morning Post, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao nhận định kết quả của cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn đối với kinh tế khu vực trong năm 2019. Theo ông, nếu quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi và căng thẳng leo thang thành chiến tranh thương mại toàn diện thì nền kinh tế Trung Quốc “sẽ hứng chịu ảnh hưởng tức thời đặc biệt nặng nề”, còn những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á “cũng sẽ gặp khó khăn ban đầu do sản xuất chậm lại”.
[VIDEO] Trung Quốc nói đạt "nền tảng tốt" trong đàm phán thương mại với Mỹ
Chủ tịch ADB dự báo những loại thuế suất Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019 và có thể lên tới 1 điểm phần trăm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Viễn cảnh xấu nhất có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay chỉ ở mức 5,3%, thấp nhất kể từ năm 1992. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ từ 6 - 6,5%, thấp hơn mức 6,6% của năm 2018 và bằng với mục tiêu do chính phủ nước này đặt ra, theo South China Morning Post.
Về phía Mỹ, theo Chủ tịch Nakao, thuế suất trả đũa từ Trung Quốc chỉ khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm nay. Từ khi xung đột thương mại song phương bùng nổ vào tháng 7.2018 đến nay, Mỹ áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25% đối với khối hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD từ ngày 2.3 nếu Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu của Washington về bảo vệ tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường.
[VIDEO] Chiến tranh thương mại làm Mỹ, Trung Quốc mất hàng tỉ USD trong năm 2018
Hiện nhiều bên kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra đột phá, hoặc ít nhất là tránh để căng thẳng leo thang hơn nữa. Quan chức hai bên vừa gặp nhau tại Bắc Kinh từ ngày 7 - 9.1 trong cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1.12.2018 nhất trí “đình chiến” trong 90 ngày bằng cách không áp thêm thuế suất đối với hàng hóa của nhau, cố gắng giải quyết bất đồng và đạt được thỏa thuận.
Hôm 10.1, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hai bên “đã đạt được bước tiến” về nhiều vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan và tấn công mạng, theo Reuters. Tổng thống Trump sau đó cũng khẳng định Mỹ đạt được “thành công lớn” trên bàn đàm phán. Theo kế hoạch, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Mỹ trong tháng này để tham dự cuộc đàm phán cấp cao hơn. Bloomberg dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay ông Lưu có thể sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 30 - 31.1.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.