Cao nguyên Golan giữa bóng ma chiến tranh

05/11/2012 03:50 GMT+7

Việc xe tăng Syria tiến vào vùng phi quân sự ở cao nguyên Golan giáp giới Israel khiến bóng ma chiến tranh nửa thế kỷ trước ám ảnh trở lại.

Ngày 4.11, AP dẫn nguồn tin quân sự cho hay Damascus vừa triển khai 3 xe tăng đến vùng phi quân sự (DMZ) tại cao nguyên Golan khiến Tel Aviv lập tức khiếu nại lên LHQ. Được hình thành vào năm 1974, DMZ này có tổng diện tích khoảng 235 km2 với chiều dài khoảng 80 km, chiều ngang từ 200 m - 7 km. Đến nay, chưa rõ động thái trên của Syria nhằm mục đích gì nhưng đủ để khơi gợi lại 2 cuộc chiến ngày trước mà Golan là một trong các khu vực giao tranh chính.

Sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1948 và khủng hoảng kênh đào Suez hồi năm 1957, các nước Ả Rập nói chung tại khu vực này và Ai Cập nói riêng luôn “hậm hực” Israel. Khi ngọn lửa không được dập tắt mà cứ âm ỉ lâu ngày thì sẽ luôn sẵn sàng bùng phát. Tương tự, tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng cho đến năm 1967 và khu vực này dần hầm hập không khí chiến tranh. Theo tài liệu lịch sử của Kênh NPR, vào đầu năm 1967, Ai Cập đồn trú khoảng 100.000 - 160.000 binh sĩ, 950 xe tăng, 1.100 xe bọc thép và 1.000 đơn vị pháo binh tại bán đảo Sinai cận Israel. Tương tự, Syria điều động 75.000 binh sĩ đến cao nguyên Golan và Jordan góp mặt với 55.000 binh sĩ cùng hàng loạt khí tài khác nhằm vào Israel. Đó là chưa kể hàng loạt hỗ trợ từ các đồng minh Ả Rập như Iraq, Ả Rập Xê Út, Ma Rốc, Libya... Nhóm này chẳng hề che giấu tham vọng xóa sổ Israel.

Cuộc chiến 6 ngày

Trong tình thế thọ địch từ 3 phía, Tel Aviv ngày 22.5.1967 lại bị phong tỏa tuyến giao thông huyết mạch qua eo biển Tiran để ra biển Ả Rập. Bối cảnh đó khiến sự tồn vong của Israel trở nên vô cùng nguy cấp, nhất là khi mọi nỗ lực vận động phương Tây gây áp lực đều không đem lại kết quả khả thi. Vì thế, vào tối 1.6.1967, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc bấy giờ Moshe Dayan nhóm họp lực lượng chủ chốt của quân đội nước này để vạch kế hoạch tấn công phủ đầu các nước Ả Rập. Bất lợi càng trở nên lớn hơn khi Mỹ và Pháp đều tỏ ý không ủng hộ việc Israel đơn phương hành động. Sáng 5.6.1967, lực lượng không quân Israel hụ còi báo động, toàn bộ gần 200 máy bay được lệnh xuất kích. Tuy nhiên, đây không phải là chiến dịch phòng thủ khi chỉ có 12 chiến đấu cơ canh giữ bầu trời nước này, toàn bộ số máy bay còn lại đồng loạt tấn công tổng lực nhằm vào các sân bay của Ai Cập. Nhờ vào thông tin tình báo chỉ điểm chính xác vị trí và tấn công bất ngờ, Tel Aviv khiến đối phương không kịp trở tay. Sau đó, lực lượng không quân của Syria và Jordan cũng rơi vào tình thế tương tự. Đến chiều tối hôm đó, Israel hoàn toàn làm chủ bầu trời khu vực, hàng trăm máy bay của Ai Cập, Syria và Jordan bị phá hủy khiến không quân các nước này tê liệt.

 
Lược đồ cao nguyên Golan - Đồ họa: Hoàng Đình

 
Quân đội Israel trong cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967 - Ảnh: Reuters

Từ đây, Tel Aviv bắt đầu mở cuộc tấn công tổng lực trên khắp các chiến trường từ bán đảo Sinai, Dải Gaza đến vùng bờ Tây và cao nguyên Golan. Theo NPR, đến tối 5.6.1967, Damascus thiệt hại 2/3 lực lượng không quân khi mất đến 32 chiến đấu cơ MiG-21, 23 chiếc MiG-15 và MiG-17. Không những thế, Israel còn tấn công tới tấp nhằm vào Syria. Thiếu hệ thống phối hợp và hậu cần hiệu quả, lực lượng Syria nhanh chóng rơi vào nguy nan.

Sáng sớm 9.6.1967, Damascus thông báo việc đồng ý ngừng bắn. Thế nhưng, nhiều quan chức cấp cao ở Tel Aviv cho rằng Damascus phải bị trừng phạt nên quân đội Israel tiếp tục tấn công mạnh mẽ. Đến chiều cùng ngày, 4 lữ đoàn Israel tiến vào Golan và nhanh chóng kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn này. Cùng khoảng thời gian trên, tình thế của Ai Cập và Jordan cũng chẳng khá hơn đồng minh. Đến ngày 10.6.1967, lực lượng Ả Rập gần như thua trắng trên hầu hết các mặt trận nên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đình chiến. Thắng lợi gần như hoàn toàn thuộc về Israel và Tel Aviv chính thức thâu tóm nhiều khu vực, trong đó có cao nguyên Golan.

Nỗ lực thất bại

Không nguôi hận cũ, Ai Cập và Syria quyết tâm tấn công Israel một lần nữa để giành lại các vùng đất bị mất trong cuộc chiến năm 1967. Vào ngày 6.10.1973, Ai Cập và Syria dẫn đầu lực lượng bất ngờ tấn công Israel để đạt được mục đích trên. Trong 2 ngày đầu tiên, các nước Ả Rập đạt thắng lợi trên các mặt trận nhưng tình hình nhanh chóng xoay chuyển. Sau khi sốc lại lực lượng, Tel Aviv dần phản công mạnh mẽ và giành được ưu thế. Đến cuối tháng 10.1967, hai phía chấp thuận yêu cầu ngừng bắn do LHQ đề xuất. Tuy nhiên, phía các nước Ả Rập không đạt được mục tiêu đề ra. Tel Aviv tiếp tục chiếm giữ Golan rồi trao trả một phần khu vực này cho Damascus. Đồng thời, theo một thỏa thuận hồi năm 1974, vùng phi quân sự tại cao nguyên Golan được lập ra.

Giao tranh dữ dội tại Damascus

Ngày 4.11, quân đội Syria tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của phe nổi dậy tại thủ đô Damascus, theo AFP. Trước đó, ngày 3.11, lực lượng nổi dậy bao vây căn cứ không quân Taftanaz thuộc tỉnh miền bắc Idleb nhằm cô lập thành phố chiến lược Aleppo và kiểm soát trục giao thông bắc - nam.

Phe nổi dậy dùng vũ khí hạng nặng và xe tăng phá hủy được 2 máy bay trực thăng nhưng bị quân chính phủ đẩy lùi sau 6 giờ giao tranh. Cũng vào ngày 4.11, các nhóm đối lập Syria họp tại Qatar để bàn về khả năng tập hợp thành một lực lượng thống nhất.

N.N.L.C

Ngô Minh Trí

>> Campuchia mua 100 xe tăng, 40 xe bọc thép
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều xe tăng đến sát biên giới Syria
>> Quân nổi dậy Syria “nhận xe tăng, tên lửa”
>> Tàu xe tăng giá vé, tăng chuyến dịp lễ 2.9
>> Nga sẽ thử nghiệm xe tăng mới trước một năm
>> Thổ Nhĩ Kỳ diễn tập xe tăng gần biên giới với Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.