Catalonia chìm trong chia rẽ

30/10/2017 07:01 GMT+7

Hàng trăm ngàn người biểu tình tại các thành phố Barcelona và Madrid để phản đối vùng Catalonia ly khai, đòi bỏ tù Thủ hiến Carles Puigdemont vừa bị phế truất.

Vấn đề Catalonia tuyên bố độc lập không những gây chia rẽ với chính phủ trung ương mà ngay cả trong nội bộ vùng tự trị này. Theo AFP, hàng trăm ngàn người Catalonia hôm qua đã tập trung tại thủ phủ Barcelona để biểu tình ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất và phản đối nghị viện địa phương thông qua tuyên bố độc lập. Nhiều người quấn cờ Tây Ban Nha lên người, mang theo biểu ngữ “Catalonia là tất cả chúng ta”, đồng thời hô khẩu hiệu “Tây Ban Nha muôn năm”. Cùng ngày, biểu tình lớn cũng nổ ra tại thủ đô Madrid để kêu gọi bỏ tù thủ hiến vừa bị cách chức Carles Puigdemont. Nhiều người chỉ trích Thủ tướng Mariano Rajoy quá mềm mỏng đối với các lãnh đạo chủ trương ly khai ở Catalonia.
Trên thực tế, ngay trong cuộc bỏ phiếu hôm 27.10 tại nghị viện Catalonia để thông qua tuyên bố độc lập, nhiều nghị viên đã bỏ ra ngoài để tẩy chay. Hiện chính phủ chỉ định Phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria làm người đứng đầu lâm thời vùng Catalonia và dự kiến tổ chức bầu cử khu vực vào ngày 21.12. Reuters dẫn kết quả khảo sát mới nhất tại Catalonia cho thấy phe ủng hộ độc lập chiếm 42,5% số người được hỏi còn phe phản đối chiếm 43,4%. Nếu các đảng ủng hộ độc lập mất thế đa số tại nghị viện sẽ dẫn đến bất lợi lớn cho phe của ông Puigdemont.
Đài Romania TV hôm qua loan tin vợ ông Puigdemont là bà Marcela Topor cùng 2 con gái có thể đã rời khỏi Tây Ban Nha để về quê ở Romania. Cùng ngày, Bộ trưởng Di trú Bỉ Theo Francken cho hay chính phủ nước này sẽ tiếp nhận nếu ông Puigdemont xin tị nạn chính trị, dù chưa có dấu hiệu cho thấy ông sẽ rời Catalonia.
Catalonia chìm trong chia rẽ
Ông Carles Puigdemont và vợ ăn mừng sau khi nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập hôm 28.10 Ảnh: Reuters
Về phía giới chức Catalonia, Phó thủ hiến bị phế truất Oriol Junqueras ngày 29.10 có bài viết trên tờ El Punt Avui ký tên là “Phó tổng thống Catalonia” và lên án “hành động đảo chính” của Madrid. “Tổng thống của quốc gia Catalonia hiện tại và tương lai vẫn là ông Carles Puigdemont”, ông viết. Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo tuyên bố chính quyền trung ương hoan nghênh nếu ông Puigdemont tham gia tranh cử vào tháng 12 vì đây là quyền dân chủ. Tuy nhiên, khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông Puigdemont bị truy tố, ông Mendez de Vigo chỉ nói hệ thống tư pháp tách biệt với chính trị và “không ai đứng trên luật pháp”.
Trả lời Thanh Niên, chị Nguyễn Phương Thảo, đang sống tại Madrid, cho biết ngay từ sau cuộc trưng cầu hồi đầu tháng 10, vấn đề Catalonia trở thành tiêu điểm bàn luận của người dân thủ đô Tây Ban Nha. Không khí “tự tôn dân tộc” có xu hướng tăng khi cờ Tây Ban Nha xuất hiện nhiều hơn trên phố xá. Chồng chị Thảo là anh Ernesto Vaca-Pereira Sánchez, từng nghiên cứu về lịch sử và truyền thông, chia sẻ mặc dù Tây Ban Nha đã trải qua nhiều giai đoạn bất ổn như thời kỳ độc tài 1939 -1975 hay cuộc đảo chính quân sự năm 1981 nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay là sự kiện nghiêm trọng nhất đối với anh. Theo Vaca-Pereira, tình hình hiện nay rất khó tìm phương án giải quyết ổn thỏa và có thể dẫn đến sụp đổ khó hàn gắn. Anh dự đoán có thể có 2 chiều hướng xảy ra: một là bạo động bùng phát và cả nước chìm trong bất an hoặc các bên sẽ bước vào giai đoạn đối thoại kéo dài và trắc trở. Cả hai vợ chồng đều hy vọng đôi bên sẽ có thể cùng nhau thương lượng và chị Thảo, người hâm mộ CLB Barcelona, mong muốn vẫn có thể theo dõi đội bóng này cùng siêu sao Lionel Messi trên trên sân cỏ Tây Ban Nha.
Diệp Uyên


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.