Chân dung Đại sứ Mỹ sắp đến Việt Nam

09/01/2011 23:40 GMT+7

Là chuyên gia về chính trị và quân sự tại Đông Á, ông David B.Shear vừa được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Đầu tháng 12.2010, Tổng thống Obama quyết định chọn ông David B.Shear, Phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, vào vị trí Đại sứ Mỹ thứ 5 tại Việt Nam, quốc gia đóng vai trò chiến lược tại cửa ngõ khu vực. Văn kiện đề cử đã được chính thức gửi lên Thượng viện Mỹ hôm 5.1 để cơ quan này thông qua, một ngày trước khi Đại sứ Michael Michalak tổ chức cuộc họp báo tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ 3 năm rưỡi tại Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống của các đại sứ Mỹ khác ở Việt Nam sau năm 1975, trừ vị đầu tiên là cựu binh Pete Peterson, đại sứ được đề cử David B.Shear là một chuyên gia về khu vực Đông Á, đặc biệt hết sức thông thạo về vấn đề Trung Quốc. Cũng vì thế, ông có khả năng nói tiếng Trung lưu loát bên cạnh tiếng Nhật. Những người tiền nhiệm của ông là Raymond Burghardt, Michael Marine và Michael Michalak cũng đều nói thạo tiếng Trung.

Chuyên gia về khu vực

Trước khi nhậm chức Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương vào năm 2009, ông Shear đã có kinh nghiệm làm việc nhiều tại châu Á. Tham gia Bộ Ngoại giao từ năm 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí ngoại giao tại Sapporo, Bắc Kinh, Tokyo và Kuala Lumpur. Tại Washington, ông Shear từng phụ trách các hồ sơ về Đông Bắc Á, chịu trách nhiệm về các khu vực Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Phó đại sứ tại Malaysia, ông trở thành Giám đốc các văn phòng Trung Quốc và Mông Cổ vào năm 2008 - 2009.

Các đời đại sứ Mỹ tại Việt Nam sau năm 1975:

Pete Peterson (1997 - 2001)
Raymond Burghardt (2001 - 2004)
Michael Marine (2004 - 2007)
Michael Michalak (2007 - 2010)

Ông Shear cũng là một chuyên gia sành sỏi về Đông Nam Á. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung (USCC) hồi tháng 2.2010, ông thừa nhận các đời tổng thống Mỹ trước đây đã bỏ quên khu vực hết sức quan trọng là châu Á, cụ thể hơn là ASEAN. Ông dẫn chứng rằng trước chính quyền Obama, các tổng thống Mỹ đã bỏ lỡ các Hội nghị Thượng đỉnh APEC, các ngoại trưởng chẳng màng tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (chú trọng về an ninh, chính trị), và các nhà ngoại giao cấp cao dành quá ít thời gian để xây dựng các quan hệ song phương tại khu vực này. Sau nhận xét của ông Shear, Việt Nam đã chứng kiến một loạt các chuyến thăm quan trọng xác lập sự lớn mạnh của quan hệ Việt - Mỹ, như chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất hồi tháng 10.2010; Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Việt Nam hai lần trong vòng 3 tháng (tháng 7 và tháng 10.2010), với tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông.

Bên cạnh đó, với bề dày kinh nghiệm về Trung Quốc, nhà ngoại giao Shear đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan theo sau vụ Mỹ đồng ý bán gói vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan hồi tháng 2.2010, vốn khiến quan hệ quốc phòng giữa Mỹ - Trung Quốc bị đóng băng suốt 1 năm sau đó. Có thể nói, một phần nhờ vào sự khéo léo và cách bày tỏ quan điểm thận trọng của ông Shear đối với những vấn đề xung quanh eo biển Đài Loan, hiện Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tái lập quan hệ quốc phòng với chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates từ hôm 9.1.

Cũng như các vị tiền nhiệm, đại sứ được đề cử Shear có thể tiếp tục chú trọng về mảng giáo dục trong nhiệm kỳ sắp tới tại Việt Nam. Đây được cho là mặt mạnh của nhà ngoại giao từng tốt nghiệp Đại học Earlham, có bằng thạc sĩ về Quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và từng làm nghiên cứu sinh về ngoại giao tại Đại học Georgetown. Bản thân Đại sứ Michalak đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu này, khi góp phần tăng gấp 3 số sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học (khoảng 13.000 sinh viên) so với cam kết ban đầu là tăng gấp đôi lúc mới nhậm chức.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.