Châu Á liên tiếp hạ thủy tàu chiến khủng

Văn Khoa
Văn Khoa
22/09/2018 07:45 GMT+7

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt hạ thủy nhiều tàu chiến cỡ lớn, gửi đi nhiều thông điệp khác nhau.

Hồi đầu tháng 7, hải quân Trung Quốc hạ thủy hai khu trục hạm lớp Type 055 có lượng choán nước 13.000 tấn. Tàu Type 055 trang bị 112 ống phóng thẳng đứng có khả năng phóng tên lửa tầm xa tương tự tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, theo China Daily. Cựu giám đốc tác chiến thuộc Trung tâm phối hợp tình báo (Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ) Carl Schuster dự đoán Trung Quốc sẽ đóng khoảng 20 chiếc Type 055 và nhiều tàu hộ vệ Type 054 để tạo thành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Hôm 28.8, tờ South China Morning Post đưa tin tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc Type 001A thực hiện đợt thử nghiệm cuối cùng. Type 001A có lượng choán nước 65.000 tấn, sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đang đóng tàu sân bay nội địa thứ 2, với lượng choán nước 80.000 tấn.
Cũng trong tháng 7, Nhật Bản hạ thủy khu trục hạm đầu tiên thuộc lớp Maya, với lượng choán nước 8.200 tấn. Khu trục hạm mới, được đặt tên Maya, sẽ được trang bị phiên bản mới nhất của hệ thống tác chiến phòng không Aegis tiên tiến. Giới chức Nhật kỳ vọng rất nhiều vào tàu Maya vì đây sẽ là một trong những chiến hạm mạnh nhất của Nhật, theo tờ The Japan Times. Nước này đang đóng chiếc tàu khu trục lớp Maya thứ 2 và cũng đang nâng cấp hệ thống Aegis của hai khu trục hạm lớp Atago. Đến năm 2021, Nhật sẽ có tổng cộng 8 tàu khu trục Aegis có khả năng chống tên lửa đạn đạo.
Châu Á liên tiếp hạ thủy tàu chiến khủng1
Tàu ngầm 3.000 tấn của Hàn Quốc trong lễ hạ thủy ngày 14.9 Ảnh: AFP
Còn Hàn Quốc nhận hoặc hạ thủy ít nhất 3 tàu chiến trong hơn 4 tháng qua. Cụ thể, chiếc tàu đổ bộ tấn công 14.000 tấn thứ hai thuộc lớp Dokdo được hạ thủy hồi tháng 5. Giới quan sát cho rằng hải quân Hàn Quốc đang tìm cách cải biến chiếc tàu này để có thể cho chiến đấu cơ tàng hình F-35B hoạt động, theo Yonhap. Đến ngày 14.9, Hàn Quốc hạ thủy tàu ngầm nội địa chạy bằng điện - diesel, với lượng choán nước 3.000 tấn, trang bị 6 ống phóng thẳng đứng có thể phóng tên lửa hành trình lẫn tên lửa đạn đạo. “Đây là hệ thống vũ khí chiến lược quốc gia có khả năng đối phó tất cả mối đe dọa và sẽ hỗ trợ tăng cường khả năng phòng thủ của hải quân”, hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh. Cũng trong tháng này, hải quân Hàn Quốc nhận chiếc tàu tiếp tế 10.000 tấn mang tên Soyang, được thiết kế để cung cấp đạn dược, nhiên liệu và đồ hậu cần cho các tàu hải quân, theo Yonhap.
Thông điệp biểu dương sức mạnh
Một số chuyên gia Mỹ cho rằng thông qua kích cỡ lớn của tàu Type 055, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp tới các nước láng giềng, theo CNN. Ở Biển Đông, Type 055 sẽ có lợi thế đáng kể về kích cỡ so với tàu tuần dương lớp Ticonderoga (10.000 tấn) và khu trục hạm lớp Arleigh Burke (hơn 9.000 tấn) của hải quân Mỹ. Cựu sĩ quan Úc Peter Layton cho rằng với kích cỡ lớn, tàu Type 055 có thể dễ dàng gây cản trở hoạt động của tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông. Ông Layton còn nhận định: “Trung Quốc có thể chú trọng thêm sức nặng cho ngoại giao hải quân và nghĩ rằng chuyến thăm cảng từ một tàu chiến rất lớn sẽ dễ dàng làm cho người dân nước sở tại nể sợ”. Một số chuyên gia khác thì cho rằng việc Trung Quốc đóng tàu Type 055 và tàu sân bay nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và cạnh tranh với Mỹ.
Về phía Nhật, một số nhà quan sát cho rằng việc đưa tàu khu trục lớp Maya vào hoạt động sẽ giúp Bộ Quốc phòng nước này đạt mục tiêu quan trọng hơn mà ít được công bố: tăng cường liên minh quân sự với Mỹ. Phiên bản Aegis mới nhất trang bị cho tàu Maya có thể được kết nối dễ dàng và tích hợp với những hệ thống phòng thủ tên lửa do hải quân Mỹ vận hành. Hệ thống Aegis mới thậm chí có thể phóng tên lửa SM-6, được cho là có thể đánh chặn những tên lửa hành trình tiên tiến của Trung Quốc. Khả năng giúp gia tăng đáng kể sức mạnh Mỹ - Nhật nhằm chống lại Trung Quốc là một giá trị tiềm năng của tàu khu trục lớp Maya, theo Phó đô đốc Nhật về hưu Toshiyuki Ito.
Trong khi đó, việc Hàn Quốc liên tục hạ thủy tàu chiến trong thời gian qua được cho là nhằm phục vụ tham vọng của nước này phát triển hải quân thành lực lượng có thể vươn ra vùng biển xa. Mục đích là bảo vệ ngành thương mại hàng hải vì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc chủ yếu dựa vào ngành này, theo chuyên san National Interest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.