Chết dần trong đống rác điện tử

06/08/2010 00:13 GMT+7

Người nghèo Ấn Độ đang đối diện với những hiểm họa khôn lường từ sự phát triển của ngành tái chế rác thải điện tử.

Những đứa trẻ lam lũ bươi móc những đống rác khổng lồ là hình ảnh thường thấy tại các vùng nghèo khó của Ấn Độ. Cả ngày cắm mặt vào rác đã đủ độc hại rồi, nhưng những đứa trẻ tội nghiệp ở nước này còn phải đối mặt với các mối hiểm nguy còn lớn hơn từ việc tháo gỡ máy tính và điện thoại cũ để phục vụ ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử.

Cậu bé Asif, 7 tuổi, hằng ngày tháo gỡ những thiết bị điện tử cũ trong một gian phòng nhỏ và tối lờ mờ ở New Delhi cùng 6 trẻ khác. “Công việc của cháu là lọc lựa những chiếc thùng nhỏ màu đen này”, cậu vừa nói vừa nạy những bảng mạch tích hợp ra từ đống máy tính phế thải chất cao bên cạnh. Anh của cậu, Salim, 12 tuổi, cũng đang chăm chú tách bóng bán dẫn và tụ điện khỏi các bảng mạch. Hai anh em từ chối tiết lộ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi ngày, nhưng cho biết phải làm việc cật lực khi ngày càng nhiều máy tính, máy in và các loại thiết bị điện tử khác bị vứt bỏ từ các văn phòng và hộ gia đình.

Sống chung với chất độc

Một báo cáo được LHQ công bố hồi tháng 2 năm nay cho biết Ấn Độ sẽ có thêm 500% rác thải điện tử từ máy tính cũ vào năm 2020 so với mức năm 2007, và khối lượng điện thoại di động cũ cũng sẽ cao hơn 18 lần. Trong khi đó, AP dẫn số liệu của Trung tâm Khoa học và môi trường (CSE) tại New Delhi cho hay quốc gia Nam Á này tạo ra đến 385.800 tấn rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 110 triệu máy tính xách tay; và nhập khẩu 55.100 tấn phế liệu kim loại và đồ điện tử đã qua sử dụng.

Chuyên gia T.K.Joshi thuộc Đại học Y Maulana Azad ở New Delhi đã tiến hành nghiên cứu trên 250 người làm công việc tái chế và tháo dỡ rác thải điện tử tại thành phố này trong 12 tháng tính đến tháng 10.2009. Ông nhận thấy tất cả đều gặp các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và viêm cuống phổi. “Chúng tôi phát hiện hàm lượng chì, thủy ngân và chromium trong máu, nước tiểu của những người này cao gấp 10-20 lần so với bình thường. Tất cả đều gây hại cho hệ hô hấp, tiết niệu và tiêu hóa cũng như có thể gây tê liệt khả năng miễn dịch và gây ung thư”, ông Joshi nói với AFP.

Các chất độc hại còn xâm nhập đường máu của công nhân trong quá trình xử lý các thiết bị nhằm thu hồi những kim loại quý. “Người ta dùng soda ăn da và các loại a-xít cô đặc để thu hồi vàng, platinum, đồng và chì. Công nhân nhúng tay vào những hóa chất độc hại này trong nhiều giờ”, ông nói. Các trang thiết bị bảo hộ như găng tay, khẩu trang và quạt thông hơi hầu như không được dùng đến và các công nhân, trong đó có nhiều trẻ em, thường không hiểu biết gì về công việc của mình.

Những cái chết đau đớn

Theo chuyên gia Joshi, tất cả công nhân mà ông khảo sát không ý thức được những hiểm họa mà họ đang phải đối mặt. Tất cả đều thất học và tuyệt vọng trong việc tìm kiếm việc làm. “Họ chỉ có 2 lựa chọn, chết vì đói hoặc vì nhiễm độc”, ông nói. Chuyên gia này cảnh báo tiếp xúc lâu ngày với cadmium và chì có thể đưa đến một cái chết từ từ và hết sức đau đớn. “Họ không thể ngủ hoặc đi lại. Họ thành phế nhân khi đến tuổi 35-40”.

Không thể ước tính bao nhiêu người đã thiệt mạng tại Ấn Độ do nhiễm độc từ rác thải điện tử vì công nhân mắc bệnh thường trở về quê chờ chết khi không thể kiếm tiền được nữa. Priti Mahesh, điều phối viên của Tổ chức môi trường Toxic Link có trụ sở ở New Delhi, nói: “Điều trớ trêu là lượng vàng và platinum mà họ chiết xuất được chưa tới 1 milligram. Máy tính, tivi và điện thoại di động là những thứ nguy hiểm nhất vì có hàm lượng chì, thủy ngân và cadmium rất cao”.

Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất luật quản lý ngành tái chế rác thải điện tử, nhưng CSE cho rằng luật gì thì cũng không thể bảo vệ đội quân lao động chui như anh em Salim và Asif. Chuyên gia Kushal Pal Singh Yadav nhận định: “Dự luật chỉ chi phối các công ty lớn tham gia vào hoạt động xử lý rác thải điện tử. Điều này sẽ không phát huy hiệu quả do người ta thích dùng những công nhân không chính thức do giá rẻ hơn và dễ lách luật hơn”. Theo CSE, các công ty lớn chỉ chiếm 10% trong ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử ở Ấn Độ. AP dẫn lời ông Chandra Bhushan, phát ngôn viên của CSE, cáo buộc các nước phát triển đang lợi dụng những hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu rác thải sang các nước như Ấn Độ để né chi phí xử lý.

Với ông Joshi, hình ảnh những đứa trẻ làm công việc xử lý những chiếc máy tính bỏ đi trong các điều kiện tồi tệ là một biểu tượng rõ ràng cho những rắc rối thâm sâu của xã hội Ấn Độ. “Ấn Độ cần lắm những luật lệ bảo vệ quyền lợi công nhân, đặc biệt là những người phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm cũng như lao động trẻ em”, ông nói.

Những bãi rác điện tử đang phình to

Ngoài Ấn Độ, nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với những tác hại về môi trường và sức khỏe cộng đồng từ rác thải công nghệ. Theo báo cáo hồi tháng 2 của LHQ, lượng rác thải điện tử ở Nam Phi và Trung Quốc vào năm 2020 được dự báo sẽ tăng từ 200-400% so với năm 2007. Các nước như Senegal và Uganda có thể chứng kiến dòng chảy rác thải từ máy tính tăng 4,8 lần vào năm 2020. Báo cáo của Tổ chức Green Peace International cho thấy rác thải điện tử được xuất khẩu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và thường vi phạm luật lệ quốc tế. Chỉ riêng tại Anh, ít nhất 23.000 tấn rác thải điện tử trên thị trường tự do được xuất khẩu bất hợp pháp vào năm 2003 sang Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi và Trung Quốc. Ở Mỹ, ước tính 50-80% rác thải được thu thập để xuất khẩu.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.