(TNO) Nhà máy Fukushima Daiichi chìm trong bóng tối và mọi người tại đó vô cùng lo sợ lõi lò phản ứng bị hư hại. Đó là ngày kế tiếp sau trận động đất mạnh và cơn sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân, và các công nhân làm việc cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) biết họ là hy vọng duy nhất để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân.
Một công ty điện lực khác đã cố gắng để giúp đỡ. Công ty này gấp rút chuyển một máy phát điện di động đến nhà máy để cung cấp điện cho các máy bơm nước làm nguội lò phản ứng. Song để kết nối nó, cần phải kéo một sợi cáp lớn đi qua quãng đường gần 200 mét đầy những mảnh vỡ từ trận sóng thần.
Cần đến 40 công nhân để lắp sợi cáp có đường kính 10cm và nặng xấp xỉ một tấn vào vị trí. Những nỗ lực gấp rút của họ bị gián đoạn bởi các dư chấn và báo động về các đợt sóng thần mới.
|
Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 12.3, các công nhân đã xoay xở để làm được điều mà nhiều người xem là một kỳ công: lắp sợi cáp vào đúng chỗ. Sáu phút sau, một vụ nổ khí hydro xé toạc tòa nhà chứa lò phản ứng, làm rác thải phóng xạ tuôn ra và làm hư hại sợi cáp, biến những nỗ lực trở nên vô ích.
Chi tiết về những giờ đầu tiên tại nhà máy điện hạt nhân bị hư hại sau trận động đất hôm 11.3 là một phần của nhật ký dài 98 trang mới được công bố về sự cố tại Fukushima. Hồ sơ do các chuyên gia hạt nhân Mỹ biên soạn được dùng làm cơ sở cho các nhà vận hành điện hạt nhân Mỹ để rút ra bài học cần thiết từ thảm họa. Song nó cũng cung cấp cái nhìn chi tiết và hiếm hoi về những nỗ lực điên cuồng để cứu nhà máy điện, miêu tả những cảnh tượng tiêu biểu cho các bộ phim về thảm họa kịch tính nhất.
Các tác giả đã cung cấp các chi tiết có chiều sâu vì họ có thể phỏng vấn các nhà vận hành và lãnh đạo của TEPCO và tiếp cận nhiều dữ kiện và hồ sơ của công ty. Hồ sơ không đưa ra bất kỳ kết luận nào về sự cố hoặc phân tích các hành động được thực hiện sau trận động đất. Mục đích của nó nhằm cung cấp một loạt các sự kiện xảy ra trong thực tế để phục vụ cho các nghiên cứu sâu hơn.
Các công ty Nhật nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề của nhà máy điện Fukushima với hệ thống thông hơi dùng để giảm áp và ngăn chặn các vụ nổ khi hệ thống làm nguội ngưng hoạt động. Một trọng tâm khác là những khó khăn cùng cực mà các công nhân gặp phải khi chuyển các thiết bị khẩn cấp đến lò phản ứng.
Báo cáo có lẽ sống động nhất khi mô tả những nỗ lực bất thành của các công nhân nhằm cứu vãn tình thế. Trong một trường hợp, các công nhân được kể là đã xông qua một hàng rào an toàn để đưa một chiếc xe cứu hỏa đến lò số 1 nhằm bơm nước làm nguội lò phản ứng.
Tuy nhiên, như thường xảy ra trong các thảm họa, cuộc chiến đấu của các công nhân không được đền đáp nhiều. Vào lúc chiếc xe cứu hỏa bắt đầu bơm nước, các công nhân chỉ bơm được khoảng 38 lít nước/phút, một lượng cực kỳ ít ỏi để có thể làm nguội các thanh nhiên liệu và giảm áp.
Báo cáo cũng lưu ý về con số thương vong của các công nhân trong thảm họa. Nó chỉ ra rằng nhiều công nhân của nhà máy đã mất nhà cửa và thậm chí gia đình trong trận sóng thần và trong những ngày sau động đất, họ phải ngủ trên sàn của nhà máy, phơi mình ra trước phóng xạ ngay cả trong phòng điều hành. Vì thiếu thốn thực phẩm, họ chỉ được cung cấp một chiếc bánh bích quy cho bữa sáng và một tô mì gói cho buổi tối.
Làm việc trong bóng tối và không có điện, những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng trở nên một thách thức. Có thời điểm phòng điều hành phải chia họ thành những toán hai người để lao vào các khu vực có lượng phóng xạ cao để mở một lỗ thông hơi quan trọng. Một người sẽ cầm đèn pin và theo dõi lượng phóng xạ trong khi người còn lại cố gắng mở chiếc van. Song vì không có sự liên lạc khi một toán đã lao vào bóng đêm, nên toán kế tiếp chỉ có thể tiến vào lò phản ứng sau khi toán đầu quay trở lại.
Rốt cuộc, mức phóng xạ đã tăng quá cao và họ phải bỏ cuộc. Vụ nổ đầu tiên làm rung chuyển nhà máy xảy ra sau đó không lâu, làm những đám mây phóng xạ thoát ra và mang đến cho thế giới những cảm giác rõ ràng nhất về quy mô thảm họa xảy ra tại Nhật.
Sơn Duân
(Theo New York Times)
>> Những người hùng giấu mặt ở Fukushima Daiichi
Bình luận (0)