Người phát ngôn của ông Sessions, bà Sarah Isgur Flores tuyên bố rằng Tổng chưởng lý Mỹ (tức Bộ trưởng Tư pháp) muốn đảm bảo quá trình chuyển giao đồng bộ cho chính quyền Trump, theo Los Angeles Times ngày 10.3.
Toàn bộ 93 chưởng lý trong chính quyền Mỹ là các công tố viên liên bang hàng đầu đại diện cho 94 khu vực bầu cử. Hai vùng đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana có chung 1 chưởng lý.
Trước đó, 47 người đã từ chức và chính quyền Trump ngày 10.3 yêu cầu 46 người còn lại nộp đơn từ chức ngay lập tức. Tuy vậy, các chưởng lý này vẫn sẽ tiếp tục làm việc đến khi những người mới được bổ nhiệm.
Việc chính quyền mới yêu cầu các chưởng lý được chính quyền cũ bổ nhiệm từ chức là chuyện thông thường tại Mỹ. Tuy nhiên, việc sa thải hàng loạt như trên có thể gây ảnh hưởng đến việc vận hành tư pháp của chính quyền.
tin liên quan
Hàng loạt tổng chưởng lý, thẩm phán Mỹ chống lệnh cấm nhập cảnh của ông TrumpTổng chưởng lý 16 bang Mỹ cùng tuyên bố sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump với cư dân 7 nước Hồi giáo là vi hiến. Hàng loạt thẩm phán Mỹ cũng chống lại sắc lệnh. Còn Nhà Trắng tuyên bố mọi chuyện không thay đổi.
Năm 1993, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Janet Reno yêu cầu 93 chưởng lý thời ông George H. W. Bush (Bush cha) từ chức ngay trong những ngày đầu ông Bill Clinton vào Nhà Trắng. Hành động đó vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ giới quan sát bảo thủ. NBC News dẫn lời giới chức tư pháp cho hay ông Jeff Sessions từng nằm trong số những người bị yêu cầu từ chức và đến nay vẫn còn giữ đơn yêu cầu của bà Reno.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, quan chức cấp cao của đảng Dân chủ tại Uỷ ban tư pháp Thượng viện ngay lập tức lên án hành động "bất ngờ" của chính quyền Trump.
Bà Feinstein cho biết Phó tổng thống Mike Pence và cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn đảm bảo với bà rằng việc chuyển giao đối với các công tố viên liên bang phải được diễn ra theo thứ tự nhằm đảm bảo tính liên tục của chính quyền. Tuy nhiên, việc yêu cầu từ chức hàng loạt là một điều trái ngược.
Bình luận (0)