Tiến sĩ Yurina Sekine và các đồng nghiệp của bà tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản đã công bố nghiên cứu trên, qua đó giúp đối phó với ô nhiễm phóng xạ gần đây, cũng như giúp hạn chế sự lây lan chất ô nhiễm trong nước ngầm, theo hãng trang tin Japan Insider.
“Tonkotsu” - xương heo thường được dùng để chế biến nước dùng cho món mì ramen của Nhật - có khả năng “hấp thụ các vật liệu độc hại”, theo các chuyên gia Nhật.
Được ngâm trong dung dịch natri bicacbonat, xương heo dường như đạt được “trạng thái giống như bọt biển”, trong đó chúng có thể hấp thụ lượng lớn các chất như stronti, chì và cadmium.
Do đó, xương heo có thể được sử dụng trong tương lai để giúp làm sạch các vùng nước bị ô nhiễm xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và giúp ngăn chặn sự lan rộng chất gây ô nhiễm trong nước ngầm bằng cách “đặt xương heo trong đất bị ô nhiễm kim loại nặng”.
Theo truyền thông Nhật, trong khi các chủ cửa hàng mì ramen chi tới 1 triệu yên (217 triệu đồng) mỗi năm để xử lý xương heo, thì số xương này có thể được quyên góp để tạo ra chất hấp thụ phóng xạ và giúp bảo vệ môi trường, đồng thời cho phép ngành công nghiệp thực phẩm tiết kiệm số tiền đáng kể.
Thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi, một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử, xảy ra vào ngày 11.3.2011.
Thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi xảy ra theo sau trận động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần.
Thảm họa kép động đất sóng thần tại Nhật Bản đã khiến khoảng 160.000 người phải sơ tán khỏi tỉnh Fukushima do mức độ phóng xạ cao.
Bình luận (0)