Chuyện dời đô ở Indonesia

01/09/2010 09:22 GMT+7

Sau nhiều năm tạm lắng, chuyện dời đô lại đang trở thành vấn đề thời sự ở đảo quốc này.

Chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ đảo Java nhưng cụm nhà mái đỏ khiêm tốn của Jonggol, nằm giữa những bụi chuối và ruộng lúa ngập nước, có thể là nơi được trù định cho những cái vĩ đại hơn ở Indonesia.

Không thể không dời
 
Thủ đô Jakarta với dân số 9,59 triệu người đã trở nên quá chật chội, nằm trong vùng động đất, dễ bị ngập lụt và bị tê liệt do cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Theo báo Jakarta Post, đề xuất dời đô đã được đưa ra từ lâu, nhưng cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998 đã khiến ý tưởng này tạm thời “chìm xuồng”.
 
Gần đây, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã đề cập việc di dời một phần thủ đô và đầu tháng 8, đề xuất tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng với kế hoạch xây 14 sân bay mới cũng như các hệ thống đường bộ và đường sắt để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng. 
 
Velix Wanggai, một cố vấn của Tổng thống Yudhoyono, nói với hãng tin Reuters: “Chính phủ Indonesia coi ý tưởng này là nghiêm túc. Tổng thống coi việc xem xét di dời thủ đô là bình thường do các vấn đề đô thị của Jakarta, nguy cơ thảm họa và tác động nặng nề về môi trường”.
 
 Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đồng thời là một thành viên của nhóm G20, Indonesia muốn nâng cao diện mạo quốc tế của mình. Một thủ đô mới có thể là biểu tượng của một quốc gia “trưởng thành” với quy hoạch đô thị kỹ lưỡng và cơ sở hạ tầng mới

Tốn kém

Chi phí cho các siêu dự án ở thủ đô mới của Indonesia ước lên đến hàng tỉ USD và giới chức phụ trách kế hoạch dời đô của Indonesia chắc chắn phải nghiên cứu những dự án tương tự đã và đang được thực hiện ở châu Á.

Kazakhstan đã chi hơn 12 tỉ USD để xây thủ đô mới Astana. Putrajaya, thủ đô hành chính của Malaysia, được xây với 3,77 tỉ USD. Chi phí xây Naypyidaw, thủ đô mới của Myanmar, ước khoảng 4-5 tỉ USD. Trung tâm hành chính mới của Hàn Quốc, Sejong, dự kiến cần khoản đầu tư 19 tỉ USD.


 
Nhiều “ứng cử viên”
 
Việc chọn địa điểm dời đô có thể dẫn đến những nghi vấn về chính sách của chính phủ cũng như khơi gợi sự ganh tị ở một quốc gia có nhiều nhóm chủng tộc và tôn giáo. Trong số khoảng 17.000 hòn đảo của Indonesia, chỉ Java, trung tâm văn hóa và là nơi cư ngụ của khoảng 58% dân số Indonesia, có tiếng nói quyết định, vì thế, nó cũng có thể là nơi được chọn đặt trung tâm hành chính mới của quốc gia. 
 
Jonggol là địa điểm được cựu tổng thống Suharto đưa ra thảo luận đầu tiên. Ông muốn một trong các con trai xây thành phố vệ tinh làm thủ đô mới. Hiện các nhà phát triển địa ốc chính trong khu vực này bao gồm các tập đoàn Ciputra và Bakrie. Tập đoàn Bakrie và bộ phận phát triển địa ốc Bakrieland Development thuộc sở hữu của Aburizal Bakrie, người thuộc đảng Golkar có chân trong liên minh cầm quyền và đang nuôi các tham vọng chính trị.
 
Theo ông Wanggai, Malang ở Đông Java, cùng với Palangkaraya, thủ phủ tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, và Jayapura, thủ phủ tỉnh Papua trên đảo Tân Guinea cũng là những địa điểm được xem xét.
 
Palangkaraya được cựu tổng thống Sukarno chọn do nó tọa lạc ở vùng không bị ảnh hưởng động đất ở trung tâm quần đảo hợp thành Indonesia. Jayapura là nơi có nhiều tài nguyên nhưng đây là nơi quân đội ra sức chống phong trào ly khai từ nhiều chục năm qua và cũng là một trong những nơi nghèo nhất nước.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.