Đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức nhậm chức từ tháng 12.2012 nhưng đến giờ, gia đình ông vẫn chưa dọn đến Dinh thủ tướng. Hằng ngày, ông mất khoảng 15 phút đi xe từ nhà riêng đến Văn phòng thủ tướng, vốn chỉ cách dinh thự nói trên vài phút đi bộ. Phe đối lập cho rằng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến phản ứng của chính phủ trong các tình huống khẩn cấp và họ đặt vấn đề liệu sự trì hoãn của ông Abe có liên quan đến tin đồn Dinh thủ tướng bị ma ám hay không. Đến ngày 24.5, chính phủ Nhật lên tiếng bác bỏ tin đồn này và tuyên bố “không biết gì về chuyện ma quỷ cả”.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga thì giải thích rằng: “Làm thủ tướng rất bận rộn với nhiều áp lực. Vì thế tôi nghĩ ông Abe được phép sống tại nơi mà ông ấy cảm thấy thoải mái nhất”. Tuy nhiên, chính ông Suga cũng tiết lộ rằng ông luôn “cảm nhận có sự hiện diện của các thế lực huyền bí trong dinh”, theo tờ Asahi Shimbun. Vì thế, mà lời giải thích của chính phủ dường như chưa thể dập tắt những xôn xao về các linh hồn trú ngụ trong tòa nhà thâm u tọa lạc ở trung tâm thủ đô Tokyo.
Hai cuộc đảo chính đẫm máu
Dinh thủ tướng Nhật là một tòa nhà 11 phòng, được xây dựng từ năm 1929. Nơi đây từng chứng kiến 2 cuộc đảo chính hụt đẫm máu với cái chết của rất nhiều quan chức. Ngày 15.5.1932, khoảng 11 binh sĩ trẻ thuộc hải quân và bộ binh đột nhập vào dinh thự rồi bắn chết Thủ tướng Tsuyoshi Inukai, theo The Japan Times. Tuy nhiên, do không nhận được sự ủng hộ của các tướng lĩnh cấp cao nên cuộc đảo chính không mang lại kết quả cụ thể nào và các thủ phạm nhanh chóng đầu hàng.
|
Đến ngày 26.2.1936, một nhóm bộ binh tấn công tòa nhà, bắn chết nhiều quan chức, bao gồm 2 cựu thủ tướng Saitō Makoto và Takahashi Korekiyo nhưng Thủ tướng Keisuke Okada thoát nạn nhờ trốn trong phòng tắm rồi thoát ra ngoài. Sau 3 ngày khống chế dinh thự, nhóm nổi dậy đầu hàng.
Từ đó, tin đồn ma ám bắt đầu lan truyền và nhiều đời thủ tướng Nhật được cho là gặp phải các hiện tượng dị thường trong dinh. Theo tờ The Wall Street Journal, một thủ tướng Nhật đêm nào cũng nghe tiếng chân bước đến phòng ngủ của ông nhưng khi mở cửa thì chẳng thấy bóng dáng ai. Nhiều quan chức khác còn kể rằng họ từng thấy những hồn ma đẫm máu đi lang thang vật vờ trong những hành lang sâu hun hút. Tờ The Japan Times dẫn lời Thủ tướng Tomiichi Murayama (cầm quyền từ 1994 - 1996) tiết lộ: “Tôi thường nghe tiếng động lạ từ trần nhà như có ai đang ở trên gác mái”. Cần biết là ở Nhật lưu truyền rất nhiều câu chuyện về những hồn ma ẩn thân trên gác mái, dùng móng tay cào lên sàn và gây ra những tiếng động sởn gai ốc.
Hồi năm 2000, Thủ tướng Yoshiro Mori từng nói: “Ngoài chuột ra thì ở đây còn nhiều vị khách không mời khác”. Tuy khẳng định chưa thấy con ma nào nhưng ông Mori mô tả lại rằng mỗi khi kết thúc ngày làm việc và mọi người đã ra về, dinh thự của ông mang đậm không khí ảm đạm, huyền bí và khiến người ta ớn lạnh.
“Ở không quá một năm”
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 1936, liên tiếp 20 thủ tướng Nhật từ chối sống trong dinh thự cho đến năm 1968 khi Thủ tướng Eisaku Sato chuyển đến đây. Theo The Japan Times, đó cũng là quyết định bất khả kháng của ông Sato do hàng trăm sinh viên đang biểu tình chống chính phủ gần nhà riêng của ông. Báo này còn chỉ ra rằng trong số 42 người lên làm thủ tướng ở Nhật từ khi tòa nhà được đưa vào sử dụng cho đến năm 2005, chỉ có 18 người sống ở đó.
Đây là lần thứ hai ông Shinzo Abe giữ chức Thủ tướng Nhật và trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên (2006 - 2007), ông cùng phu nhân đã chuyển đến Dinh thủ tướng. Báo The Guardian dẫn lời một số chuyên gia cho rằng sự trì hoãn lần này chứng tỏ gia đình ông Abe không hài lòng với lần sống đầu tiên ở đó. Ngày 21.5, Phó thủ tướng Nhật Taro Aso đã nêu lên tin đồn ma quỷ trước các thành viên nội các, theo tờ Asahi Shimbun. Bản thân ông Aso từng đứng đầu nội các từ năm 2008 - 2009 và ông cũng không ở lâu trong Dinh thủ tướng. Asahi Shimbun dẫn một số nguồn tin tiết lộ ông Aso đã nói với ông Abe rằng: “Kể từ thời chính quyền Junichiro Koizumi (2001 - 2006) thì không có thủ tướng nào sống trong dinh được quá một năm. Theo tôi, ông không cần phải dọn đến đó”.
Vua hề Sạc Lô suýt chết trong Dinh thủ tướng nhật Theo nhà nghiên cứu Miriam Silverberg thuộc ĐH California (Mỹ), nhóm đảo chính năm 1932 còn lên kế hoạch ám sát danh hài Charlie Chaplin (tức Vua hề Sạc Lô), khi đó đang ở thăm Nhật, tại Dinh thủ tướng. Mục tiêu là nhằm gây chiến với Mỹ và tạo ra hỗn loạn để từ đó “phục hưng một nước Nhật hùng mạnh”. Tuy nhiên, khi nhóm này tấn công thì Chaplin đang cùng Takeru Inukai, con trai Thủ tướng Tsuyoshi Inukai, xem một trận sumo và không có mặt trong dinh nên 2 người đều thoát chết. Tuy không thành công nhưng 2 cuộc đảo chính 1932 và 1936 đã làm suy yếu chính quyền dân sự tại Nhật, giúp quân đội gia tăng sức ảnh hưởng và gần như kiểm soát hoàn toàn đất nước, đồng thời đẩy nhanh sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt. Tất cả những nhân tố này dẫn tới sự tham gia của Nhật trong Thế chiến 2. |
Văn Khoa
>> Động đất rung chuyển Tokyo
>> Tokyo không công bố chứng cứ
>> Cựu Thị trưởng Tokyo gia nhập đảng bảo thủ
>> Cựu Thị trưởng Tokyo lập đảng mới
>> Khai mạc "Diễn đàn Quốc phòng Tokyo", Trung Quốc vắng mặt
>> Thị trưởng Tokyo từ chức, lập đảng mới
Bình luận (0)