Vào cuối năm 2016, Trung Quốc ký thỏa thuận với Sri Lanka về dự án phát triển cảng, xây dựng một khu công nghiệp lớn gần cảng tại thành phố Hambantota, Sri Lanka. Đây là một phần trong tham vọng xây dựng "Con đường Tơ lụa mới" hay sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" để mở rộng đế chế thương mại của Trung Quốc, theo Reuters ngày 2.2.
Tính đến nay, Trung Quốc chi gần 2 tỉ USD cho dự án phát triển cảng, xây sân bay và khu công nghiệp ở Hambantota và muốn rót thêm tiền đầu tư. Tuy nhiên, các dự án của Bắc Kinh đang đối mặt với sự phản đối dữ dội từ người dân Sri Lanka.
Hồi tháng 1, hàng trăm người biểu tình Sri Lanka đã đụng độ với cảnh sát để phản đối việc đất đai, nhà cửa của họ bị giải tỏa để xây dựng khu công nghiệp. Họ tức giận ném đá và lực lượng cảnh sát chống bạo động phải dùng hơi cay cũng như vòi rồng để phản ứng. Đây là lần đầu tiên cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc đầu tư vào Sri Lanka biến thành bạo động.
Những vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cho thấy sự bức xúc trước việc Trung Quốc tăng cường đầu tư ở Sri Lanka và người dân địa phương lo ngại bị ép phải rời khỏi nơi sinh sống, theo Reuters. Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chính quyền nước này làm mọi thứ có thể để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho hai bên.
“Vi phạm chủ quyền”
Đứng đầu chiến dịch phản đối việc Trung Quốc đầu tư ở Hambantota là cựu tổng thống Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa. Ông chỉ trích chính quyền người kế nhiệm quá hào phóng khi ký thỏa thuận với Trung Quốc. Trong khi lúc đương nhiệm (2005-2015), ông Rajapaksa đã cho phép Trung Quốc đầu tư vào Sri Lanka.
Theo thỏa thuận ban đầu do ông Rajapaksa đàm phán với Trung Quốc, khu bốc dỡ container của cảng Hambantota sẽ do doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc vận hành trong vòng 40 năm. Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka kiểm soát tất cả những khu còn lại của cảng cùng khu công nghiệp.
Tuy vậy, hồi tháng 1.2016, chính quyền Tổng thống Maithripala Sirisena lại phê chuẩn thỏa thuận cho Trung Quốc thuê 80% cảng Hambantota trong vòng 99 năm, với giá 1,12 tỉ USD; và giao cho công ty cảng biển thương mại Trung Quốc (CMPH) - một doanh nghiệp nhà nước - kiểm soát dự án và quản lý khu công nghiệp. Ngoài ra, chính quyền Sri Lanka còn cho Trung Quốc thuê 6.000 ha đất gần cảng để làm khu công nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến những vụ biểu tình.
Động thái này của ông Sirisena được cho là nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công. Được biết nợ công của Sri Lanka đang ở mức 64 tỉ USD hay 76% GDP. Sri Lanka nợ Trung Quốc trên 8 tỉ USD.
|
Nhưng ông Rajapaksa phản đối rằng: “Hợp đồng cho thuê 99 năm là vi phạm chủ quyền Sri Lanka, bởi vì doanh nghiệp Trung Quốc có thể tự do tận dụng cảng và khu đất làm khu công nghiệp gần cảng”. Ông Rajapaksa chất vấn vì sao chính phủ lại giao cho Trung Quốc 6.000 ha, diện tích lớn gấp ba lần tất cả các khu công nghiệp khác ở Sri Lanka cộng lại.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối dự án này. Chúng tôi không muốn giao đất cho người Trung Quốc. Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây”, ông Upul Dhammika, một nông dân tham gia biểu tình và có đất trong dự án khu công nghiệp, bức xúc nói.
"Con đường Tơ lụa mới" được xây dựng theo hướng khôi phục Con đường tơ lụa - lộ trình buôn bán thời xưa. Nếu thành công, chiến lược này sẽ giúp dịch chuyển cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Trung Quốc, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại khắp lục địa Á - Âu và châu Phi với các con đường hướng về phía Trung Quốc.
Với mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ USD, "Con đường Tơ lụa mới" sẽ liên kết trên 60 quốc gia khắp lục địa Á -Âu và châu Phi (có tổng dân số 4,4 tỉ người) với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng từ đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các cảng biển.
Tuy nhiên những cuộc biểu tình ở Sri Lanka không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy làn sóng phản đối "Con đường Tơ lụa mới". Dự án xây tuyến đường sắt thông qua Lào và Thái Lan cũng vấp phải sự phản đối gay gắt, nguyên nhân được cho là do những yêu cầu quá mức, chỉ có lợi cho Trung Quốc hơn là những nước đối tác, theo Reuters.
Bình luận (0)