Cơn say lập kỷ lục ở Ấn Độ

11/09/2007 22:36 GMT+7

Khó có thể tìm thấy ở đâu một sự say mê lập kỷ lục, nhiều khi được đẩy lên đến mức cực đoan như tại Ấn Độ, quốc gia lọt vào hàng "top" trong sách kỷ lục Guinness. Các chuyên gia cho đây là cách để người Ấn tạo tên tuổi và "lên đời".

Hẳn nhiều người coi việc bị nhổ hết răng là một điều đáng sợ. Nhưng đó lại là chuyện nhỏ đối với Guinness Rishi, người đàn ông Ấn Độ từng một lần được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness và muốn tên mình xuất hiện càng nhiều càng tốt trong cuốn sách các kỷ lục thế giới. "Tôi từng nghĩ đến một ngày tôi có thể phá kỷ lục thế giới về việc ngậm nhiều ống hút nhất", Rishi nói với Tạp chí Outlook. "Vì thế, tôi đi nhổ hết răng của mình. Qua tập luyện, tôi đã ngậm được 555 ống hút trong miệng".

Rishi vào sách Guinness lần đầu tiên và cũng là duy nhất cáách đây 20 năm, khi lái một chiếc moped (loại xe đạp có gắn động cơ công suất thấp) hiệu Luna vượt 20.000 km đến khắp mọi miền của Ấn Độ trong 1.001 giờ. Kể từ đó, Rishi đã đưa ra hàng chục tuyên bố lập kỷ lục nhưng chưa được công nhận, trong đó có những "kỷ lục" như uống nước sốt cà chua nhanh nhất, chúc thư dài nhất, khiêng gạch không nghỉ trong thời gian lâu nhất, ăn nhiều ớt nhất trong 3 phút... "Bệnh" say kỷ lục của Rishi đang "phát tán" nhanh, đến nỗi vợ ông, bà Bimla, cũng đã tuyên bố lập kỷ lục viết chúc thư ngắn nhất với 2 từ bằng tiếng Hindi mang nghĩa "toàn bộ các con". Rishi có 2 người con trai thành đạt ở nước ngoài và cả hai không bị ám ảnh nhiều về chuyện lập kỷ lục Guinness. Nhưng chính sự thành công của con cái khiến ông Rishi quyết tâm khẳng định mình không phải kẻ vô dụng. "Hai đứa con cảm thấy chúng là người quan trọng trong chuyện kinh doanh và kiếm tiền, vì thế tôi phải chứng tỏ với gia đình và cộng đồng rằng tôi cũng có chuyên môn", ông nói với Hãng tin AP. Một điều đáng chú ý về người đàn ông này là chính từ sự đam mê lập kỷ lục Guinness mà ông đã đổi tên "cúng cơm" của mình từ Har Parkash sang Guinness kể từ khi được Guinness công nhận cách đây 20 năm.

Câu chuyện về gia đình Guinness Rishi là một ví dụ điển hình về "niềm đam mê lập kỷ lục của dân Ấn Độ". Quốc gia đông dân này hiện có 219 kỷ lục được ghi vào sách Guinness, xếp thứ 10 trên thế giới. Một số kỷ lục gia Ấn Độ khác được Guinness công nhận bao gồm Radhakant Bajpai với kỷ lục để lông tai dài hơn 0,1 mét; Arvind Morarbhai Pandya với kỷ lục chạy thụt lùi trên 1.500 km trong 26 ngày và 7 giờ...

Mỹ là nước có nhiều kỷ lục được công nhận nhất, sau đó đến Anh, Úc và Đức. Nhưng nếu nói về sự nhiệt tình lập kỷ lục đến mức có thể gọi là điên rồ thì Ấn Độ không có đối thủ. Tại đất nước Nam Á này, kỷ lục luôn được xếp vào chuyện "quốc gia đại sự". "Một người đàn ông ở Orissa lập kỷ lục đập bể 72 trái dừa bằng khuỷu tay!" là tít xuất hiện trên trang 1 của Báo Hindustan Times hồi tháng trước. Trước đó, vào tháng 7, tờ báo này đưa tin: "Bé trai Uttar Pradesh có thể viết chữ trên hạt cây mù tạt!". Từ đầu năm đến nay, tờ báo này đã đưa 50 tin về các nỗ lực lập kỷ lục Guinness. Dĩ nhiên, đây không phải là tờ duy nhất đưa tin về những kỷ lục ở xứ sở sông Hằng. Theo Tạp chí Outlook, trung bình có khoảng 1.000 lời tuyên bố lập kỷ lục được gửi về văn phòng tổ chức biên soạn sách Guinness ở London (Anh) mỗi tuần. Ít nhất 4% trong số này xuất phát từ Ấn Độ. Trong số đó, khoảng 95% bị bác bỏ ngay lập tức vì, theo biên tập viên Craig Glenday của sách Guinness, "chúng quá điên rồ, quá nguy hiểm, không mấy ấn tượng, quá chán, quá kỳ cục". Tuy nhiên, điều này không làm nản chí hàng ngàn người Ấn Độ. Bởi nếu không vào sách Guinness, người Ấn thích làm chuyện "khác người" vẫn có thể được vinh danh trong sách kỷ lục Limca do Hãng Coca-Cola phát hành tại Ấn Độ. Ngoài ra, còn có website 4to40.com, nơi người Ấn có thể chi 50 USD để đăng những kỷ lục do họ lập ra dù không được công nhận.

Giải thích về bệnh say kỷ lục ở Ấn Độ, các chuyên gia tâm lý cho rằng đó là cáách để tạo tên tuổi cũng như tìm cơ may vươn lên trong cuộc sống ở quốc gia có cả tỉ người, như thổ lộ của ông Rishi và nhiều "kỷ lục gia" khác. Cũng có thể chính từ nhu cầu khẳng định lòng tự trọng, đặc biệt ở những thanh niên thất nghiệp, không có trình độ học vấn để có thể thành công trong nghề nghiệp, đã khiến họ đi đến mức cực đoan trong nỗ lực tạo kỷ lục. Bao giờ "cơn say" này ở Ấn Độ mới chấm dứt vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.