Công bố chiến lược phát triển và quản lý sông Mê Kông

Khánh An
Khánh An
07/04/2021 10:03 GMT+7

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đưa ra kế hoạch chiến lược nhằm cân bằng phát triển và quản lý, đồng thời đối phó với các thách thực mới nổi.

Tờ Khmer Times ngày 7.4 đưa tin Ủy hội sông Mê Kông (MRC) vừa công bố chiến lược 10 năm mới và kế hoạch hành động 5 năm để cân bằng việc phát triển và quản lý lưu vực.
Chiến lược còn nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia Mê Kông giải quyết những thách thức mới nổi và cải thiện tình trạng tổng thể của lưu vực.
Kế hoạch chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt bởi hội đồng bộ trưởng từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Theo đó, chiến lược tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm cải thiện các chức năng sinh thái của sông Mê Kông vì một môi trường lành mạnh và cộng đồng có năng suất sản xuất cao.

Lễ công bố chiến lược tại Lào ngày 5.4

Ảnh: MRC

Bên cạnh đó, chiến lược nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước và tài nguyên liên quan vì phúc lợi của cộng đồng, tăng tính bền vững của các hoạt động phát triển để hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu trước rủi ro khí hậu và thảm họa và tăng cường hợp tác cấp khu vực theo quan điểm toàn lưu vực.
Theo tiến sĩ An Pich Hatda, giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, chiến lược này phù hợp với các ưu tiên và nhu cầu của chính phủ các quốc gia Mê Kông để đạt được một lưu vực Mê Kông mạnh hơn và chống chịu tốt hơn thông qua việc chủ động lập quy hoạch và điều phối quản lý, và do đó đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Chiến lược mới dựa trên các đánh giá gần đây về những tác động lớn của các hoạt động phát triển và cơ sở hạ tầng về nước và tài nguyên liên quan, gồm cả các đập, vốn đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hưởng tới vận chuyển phù sa và gia tăng xói lở bờ sông.

Em bé chơi đùa trên xuồng của một gia đình ngư dân Campuchia trên sông Mê Kông

Ảnh: Reuters

Những tác động này lại dẫn tới việc giảm số lượng cá tự nhiên, suy thoái tài sản môi trường và đồng bằng ngập lũ, và giảm lượng phù sa bổ sung của ĐBSCL.
Biến đổi khí hậu đã khiến các tác động này nghiêm trọng hơn, làm gia tăng tình trạng không chắc chắn và rủi ro, gồm cả hạn hán và lũ lụt thường xuyên.
Chiến lược này cũng đưa ra một tập hợp các biện pháp khuyến nghị mà tất cả các bên liên quan cấp quốc gia và khu vực có thể triển khai để hoàn thành các ưu tiên, gồm cả việc thực hiện các sáng kiến và chương trình riêng của mỗi bên.
Theo kế hoạch hành động 5 năm, MRC dự kiến sẽ đầu tư hơn 60 triệu USD trong năm, trong đó khoảng 40% số tiền này sẽ đến từ các quốc gia thành viên của MRC.
“Chiến lược này chỉ có thể hoàn thành được khi tất cả các chủ thể liên quan cùng nhau hành động hướng tới một lưu vực sông Mê Kông thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu”, theo MRC.

Trung Quốc giữ nước sông Mê Kông, các nước ở hạ lưu "mệt mỏi"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.