Covid-19 vượt mốc 10 triệu ca

Khánh An
Khánh An
29/06/2020 08:29 GMT+7

Tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi và hôm qua thế giới đã vượt mốc 10 triệu ca nhiễm.

Kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng

Vắc xin do Việt Nam nghiên cứu đáp ứng miễn dịch phòng Covid-19

Hãng Reuters ngày 28.6 đưa tin số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 10 triệu, với khoảng 500.000 người tử vong, đánh dấu cột mốc mới của đại dịch trên quy mô toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng số ca mắc Covid-19 đến nay đã cao gấp đôi số bệnh nhân cúm mùa hằng năm trên thế giới.

Nhiều kỷ lục buồn

Tình hình xấu đi nhanh chóng sau khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa lại nền kinh tế. Theo thống kê, Bắc Mỹ, Mỹ Latin và châu Âu chiếm khoảng 25% số trường hợp mắc Covid-19 trên toàn cầu, trong khi châu Á và Trung Đông lần lượt chiếm khoảng 11% và 9%.
Theo Đài CNBC, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo kinh tế trên toàn thế giới, cảnh báo rằng các nguồn tài chính công cộng sẽ hao hụt nhanh chóng trong bối cảnh chính phủ các nước chật vật để giảm thiểu mức độ thiệt hại về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong báo cáo mới nhất, IMF ước tính GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm 2020, thấp hơn mức 3% được tổ chức này đưa ra vào tháng 4. “Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2020 hơn dự kiến, và quá trình phục hồi vì thế cũng chậm chạp hơn dự báo trước đó”, theo IMF cập nhật báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu hôm 24.6. Quỹ cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong năm sau đã bị hạ từ 5,8% trong báo cáo tháng 4 xuống còn 5,4%.
Về tình hình các nước, IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ sụt giảm 8% trong năm nay. Báo cáo của IMF cũng đưa ra con số tiêu cực cho khu vực đồng tiền chung euro, với tính toán sẽ giảm 10,2% trong năm 2020. Brazil, Mexico và Nam Phi cũng lần lượt đối mặt viễn cảnh giảm lần lượt 9,1%, 10,5% và 8%. Theo kịch bản của IMF, nợ công toàn cầu sẽ tăng ở mức cao kỷ lục trong năm 2020 (tăng 101,5%) và (103,2%) trong năm 2021. Trong quý 2/2020, dự kiến có hơn 300 triệu việc làm toàn thời gian bị bốc hơi khỏi thị trường lao động.    
H.G
Dịch bệnh Covid-19 hiện bước sang giai đoạn mới, với Ấn Độ và Brazil ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, gia tăng áp lực nặng nề đối với hệ thống y tế. Hai nước này chiếm hơn 30% số ca mắc Covid-19 mới trong suốt tuần qua. Riêng Ấn Độ hôm qua ghi nhận kỷ lục buồn khi có tới gần 20.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Tại Mỹ Latin, các chuyên gia dự báo số người tử vong vì Covid-19 có thể tăng lên hơn 380.000 vào tháng 10, so với khoảng 100.000 ca hiện nay.

Hơn 10,1 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Mỹ phải đóng cửa nhiều bãi biển

Mỹ hôm qua vượt mốc 2,5 triệu ca nhiễm và hơn 125.000 người tử vong vì Covid-19, tiếp tục cao nhất thế giới, sau khi ngày thứ 5 liên tiếp phá vỡ các kỷ lục buồn theo ngày về số người chết ở nước này. Hàng loạt tiểu bang của Mỹ cũng thông báo về sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 với mức độ chưa từng có. Các nước Trung Quốc, New Zealand và Úc gần đây đều ghi nhận các cụm lây nhiễm mới. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều ca lây nhiễm liên quan đến chợ nông sản Tân Phát Địa khiến cơ quan chức năng tăng cường xét nghiệm đến 300.000 người/ngày. Tại những nước có khả năng xét nghiệm giới hạn, các chuyên gia cho rằng số trường hợp ghi nhận chỉ phản ánh tỷ lệ nhỏ các ca mắc Covid-19 trên thực tế.
Trước những diễn biến khó lường hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại các nước có thể mất kiểm soát tình hình dịch bệnh và chỉ có thể an toàn khi có vắc xin phòng Covid-19 được phát triển rồi cung cấp tới tất cả mọi nơi.
Covid-19 vượt mốc 10 triệu ca

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Moscow, Nga

Ảnh: Reuters

Thế giới dè dặt mở cửa, tái áp đặt biện pháp phòng dịch

Tuần qua, các tiểu bang ở Mỹ đã lần lượt phải xem xét lại kế hoạch mở cửa. Một số thành phố lớn thông báo đóng cửa bãi biển, quán bar, tái áp đặt các biện pháp như tự cách ly và yêu cầu người dân ở nhà, nhất là trong giai đoạn sắp kỷ niệm Quốc khánh Mỹ vào tuần tới. Thống đốc bang Texas Greg Abbott, người từng phản đối các lệnh phong tỏa, cho biết nếu có thể quay ngược thời gian, ông sẽ không cho các quán bar mở cửa lại quá sớm. Theo chuyên gia Ashish Jha, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại Đại học Harvard (Mỹ), việc nhiều tiểu bang ở Mỹ tạm ngưng kế hoạch mở cửa là chưa đủ mà cần đảo ngược quy trình này. Ông cảnh báo các bệnh viện có thể sẽ quá tải nếu giới lãnh đạo không áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng tăng cường việc xét nghiệm và người dân cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Nguồn: Đại học Johns Hopkins, CNBC

Tại châu Âu, nhiều nước vừa nới lỏng dần các biện pháp phòng chống Covid-19, nhưng phải hết sức dè dặt khi các chuyên gia cảnh báo về làn sóng thứ hai. Đài NBC dẫn lời Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho hay châu Âu trong tuần trước ghi nhận số ca mắc lần đầu tiên tăng trở lại trong nhiều tháng. “Suốt nhiều tuần qua, tôi luôn nói về nguy cơ bùng phát trở lại do các nước điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch. Tại một số nước ở châu Âu, nguy cơ này giờ đây đã trở thành sự thật”, ông nêu rõ và viện dẫn số liệu tại 30 nước đã tăng trong 2 tuần qua, sau thời gian giảm nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Nhiều người dân phớt lờ các khuyến cáo về giãn cách xã hội khi tổ chức tiệc tùng hay tập trung tại các bãi biển đông đúc. Tại Anh, cảnh sát phải giải tán vô số buổi tiệc tùng qua đêm bất hợp pháp ở thủ đô London. Anh hiện cấm tụ tập quá 6 người và khuyến cáo giữ khoảng cách 2 m. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo rằng chính phủ có thể đóng cửa tất cả bãi biển nếu cần. Còn tại Pháp, tháp Eiffel mở cửa trở lại vào ngày 25.6 với các biện pháp vệ sinh và đảm bảo an toàn được áp dụng nghiêm ngặt như chỉ sử dụng thang bộ và đeo khẩu trang.

Bác sĩ California mệt mỏi vì làn sóng bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng

Tại Đức, bang North Rhine-Westphalia hôm 23.6 quyết định áp dụng lại lệnh phong tỏa toàn bộ quận Guetersloh cho đến ngày 30.6, sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại đây. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước phong tỏa lại sau khi được nới lỏng dần trên cả nước vào cuối tháng 4. Giới chức Liên minh Châu Âu (EU) đang thảo luận về các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không nội khối, trong khi có thể cấm người nhập cảnh từ Mỹ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Tại Úc, chính quyền bang Victoria đang cân nhắc áp dụng lại quy định phong tỏa và buộc người dân tại nhiều khu vực ở thành phố Melbourne phải ở nhà để phòng chống dịch, sau khi có thêm hàng chục ca mới được ghi nhận. Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani hôm qua thông báo quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại nhiều khu vực bắt đầu từ tuần tới, đồng thời bật đèn xanh cho các tỉnh có nhiều ca Covid-19 được tự quyết định việc áp dụng lại các biện pháp phong tỏa. Ông cho biết quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng trong nhà sẽ được áp dụng đến ngày 22.7 và có thể gia hạn nếu cần. Dự kiến Bộ Y tế Iran sẽ đưa ra danh sách cụ thể những nơi công cộng có nguy cơ cao và bắt buộc đeo khẩu trang.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lao dốc, chỉ còn -4,9% vì đại dịch Covid-19

Tại Trung Quốc, chính quyền vùng An Tân (tỉnh Hà Bắc) hôm qua áp dụng lệnh phong tỏa đối với khoảng 500.000 người nhằm khống chế dịch. Theo đó, mỗi gia đình chỉ được phép cho 1 người ra ngoài 1 lần trong ngày để mua nhu yếu phẩm và thuốc men. An Tân ghi nhận 12 ca mắc Covid-19 và nhiều người dân nơi đây thường đem cá đến bán tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, nơi có cụm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.