Cuộc chiến Facebook giữa Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã bị lôi ra tới tòa án. Phe Thủ tướng bảo ông không hề bỏ tiền mua “like” (thích) như lời cáo buộc “bóp méo sự thật” của phe đối lập.
Thủ tướng Hun Sen (bìa phải) gần đây đã tỏ ra rất chuộng công nghệ - Ảnh: AFP |
Vượt xa thủ tướng Anh
Thủ tướng Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia trên dưới 30 năm. Nhưng chỉ mới gần đây, ông mới bắt đầu thích Facebook. Hồi tháng 11.2015, ông tuyên bố tài khoản Hun Sen trên Facebook chính là của mình, là nơi “đã đưa tôi tới gần nhân dân hơn, cho phép tôi lắng nghe và tiếp nhận những yêu cầu trực tiếp từ nhân dân”.
Ông đã khuyến khích người dân tố cáo các hành vi nhũng nhiễu, bắt nạt của quan chức thông qua Facebook, cùng lúc tô đậm những vụ việc mà ông đã can thiệp giúp dân. Thủ tướng Hun Sen cũng dùng Facebook để chỉ trích các nhân vật đối lập chống lại mình.
Lượt “like” trên trang Facebook của ông Hun Sen cứ thế mà tăng vùn vụt và tới tháng trước đã qua mặt số lần “like” của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, người đang sống ở nước ngoài nhưng vẫn tích cực chỉ trích chính quyền Hun Sen.
Trang Facebook của ông Hun Sen đã được trên 3,2 triệu lượt "thích" - Ảnh: Facebook
|
Tính đến tháng 3.2016, Facebook của Thủ tướng Hun Sen được trên 3,2 triệu lượt “like” so với con số 2,2 triệu của ông Rainsy. Cả hai đều là những con số quá ngoạn mục ở một đất nước nhỏ bé như Campuchia, nơi dân số chỉ hơn 15 triệu người. Nếu muốn so sánh, hãy thử nhìn qua xứ sương mù - nơi dân số không những gấp 4 lần đất nước chùa tháp mà độ phủ internet là hơn 90% so với chưa đầy 10% của Campuchia. Ở Anh, Thủ tướng David Cameron được chừng 1 triệu “like” trên trang Facebook của mình.
“Thích” nội hay “thích” ngoại?
Rainsy đã lên tiếng. Ông bảo rằng các bộ trưởng Camphuchia đã gây sức ép để buộc các đảng viên đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền phải “like” trang Facebook của ông Hun Sen. Chưa hết, ông Rainsy cũng tố hàng loạt tài khoản giả ở nước ngoài đã “like” ông Hun Sen, rằng đây chỉ là chiêu tung tiền thuê “like” quen thuộc.
Điều này đã khiến Som Soeun - quan chức phụ trách xây dựng hình ảnh của ông Hun Sen trên mạng nổi đóa, đệ đơn ra tòa đòi Rainsy phải bồi thường 5.000 USD vì đã “bóp méo sự thật”. Hãng truyền thông BBC dẫn lời ông này chỉ trích hành động của ông Rainsy là “rẻ tiền”.
Trong lúc chờ tòa án phân biệt phải trái thì báo Phnom Penh Post hồi tuần trước đăng tải một phân tích cho thấy trong số 779.000 tài khoản Facebook “like” trang Facebook của ông Hun Sen vào tháng trước chỉ có 157.331 là ở trong nước. Theo số liệu này thì đến 80% “fan” của ông Hun Sen vào tháng 2.2016 là ở nước ngoài.
Ông Hun Sen xem thông tin trên điện thoại thông minh giữa một phiên họp - Ảnh: Reuters
|
Còn phân tích của BBC thì cho rằng tính tổng thể, khoảng 57% lượt like dành cho ông Hun Sen trên Facebook đến từ bên trong Campuchia so với 83% dành cho ông Rainsy - người đang sống ở nước ngoài.
Ông Hun Sen không phải là chính khách duy nhất từng bị chỉ trích “mua like”. Hồi tháng 7.2015, chính trị gia đang làm dậy sóng nước Mỹ Donald Trump cũng từng bị tố tương tự, với bằng chứng được trưng ra là đến 42% lượt “like” xuất phát từ nước ngoài. Nhưng đến nay, “like” dành cho Trump đã “nội địa hóa” nhiều hơn: chiếm khoảng 3/4 trong số 6,4 triệu “like”.
Bình luận (0)