Cuộc đào tẩu ly kỳ của công chúa Dubai

01/05/2019 20:00 GMT+7

Công chúa Dubai Latifa đã bị lực lượng đặc nhiệm UAE đưa về nước sau cuộc “giải cứu” trên vùng biển ngoài khơi Ấn Độ.

Latifa bint Mohammed al-Maktoum là con gái của Mohammed bin Rashid al-Maktoum, tiểu vương Dubai và cũng là Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hồi năm 2018, cô đã gây chấn động với cuộc đào tẩu khỏi Dubai nhưng nhanh chóng bị đưa trở về nước.
Chi tiết kế hoạch bỏ trốn của công chúa 34 tuổi lần đầu tiên được tiết lộ trong bộ phim tài liệu Escape From Dubai (tạm dịch Trốn chạy khỏi Dubai) vừa được phát sóng của BBC. Trong đó, bạn bè của Latifa khẳng định cô đã bị một nhóm đặc nhiệm UAE bắt giữ trên đường trốn chạy ở khu vực cách bờ biển Ấn Độ 48 km hồi đầu tháng 3.2018.

7 năm lên kế hoạch

Trong bộ phim tài liệu, BBC đã phỏng vấn một cựu điệp viên người Pháp, một nữ võ sư Phần Lan và nhóm thủy thủ Philippines, những người được cho là đã hỗ trợ Latifa lên kế hoạch chạy trốn khỏi cung điện, nơi mà công chúa Dubai mô tả là “một nhà tù dát vàng”.
Latifa là người con thứ hai của tiểu vương Mohammed cố chạy trốn khỏi cuộc sống xa hoa nhưng bị kiểm soát gắt gao cùng những điều luật nghiêm khắc của Hồi giáo. Chị gái cô, Shamsa, từng bị bắt ngay trên đường phố TP.Cambridge sau khi trốn khỏi dinh thự riêng của gia đình ở vùng Surrey (Anh) vào năm 2000. Shamsa sau đó bị đưa về Dubai để “chữa bệnh” dưới giám sát nghiêm ngặt của lực lượng an ninh. Vào thời điểm đó, dư luận Anh và một số tổ chức quốc tế xem đây là “một vụ bắt cóc nghiêm trọng” nhưng cảnh sát Anh chưa bao giờ mở cuộc điều tra chính thức, theo tờ The Guardian.
Latifa (trái) và võ sư Jauhiainen khi lái xe trốn chạy tại Oman Ảnh: Chụp màn hình USA Today
Trong đoạn phim được ghi lại trước khi bỏ trốn, Latifa kể cô từng cố đào tẩu khỏi UAE vào năm 16 tuổi nhưng bị bắt lại ngay ở vùng biên giới. Hậu quả là cô gần như bị “biệt giam” trong 3 năm, không được rời khỏi cung điện nửa bước. Từ trải nghiệm của bản thân cũng như chứng kiến những gì chị mình phải hứng chịu, Latifa rất cẩn trọng trong kế hoạch đào thoát lần hai. Đầu tiên, cô tìm cách liên lạc với cựu sĩ quan hải quân Pháp Hervé Jaubert vào năm 2011. BBC dẫn lời Jaubert kể Latifa biết đến ông nhờ đọc tin tức trên mạng về việc ông từng trốn thoát thành công khỏi Dubai sau khi gặp rắc rối với chính quyền sở tại.
Lần đầu nhận được email của Latifa, Jaubert nghi ngờ đây là một cái bẫy nhằm nhử ông trở lại Dubai. Tuy nhiên, sự kiên trì của công chúa đã thuyết phục được người cựu sĩ quan Pháp. Ông kể 2 người đã viết thư qua lại trong suốt thời gian dài nhằm vạch kế hoạch đào tẩu. Theo lời Jaubert, Latifa đã tiết kiệm được 400.000 USD cho kế hoạch tự giải phóng mình. Qua thư, ông mới biết cuộc sống của công chúa Dubai không phải như ông hình dung. “Tôi đã bị áp bức suốt cuộc đời mình. Phụ nữ bị xem như hạ đẳng. Cha tôi không thể tiếp tục hành xử như đang làm với tất cả chúng tôi”, nội dung một bức thư viết.
Đến năm 2014, Latifa gặp được Tiina Jauhiainen, một nữ võ sư người Phần Lan được thuê đến cung điện Dubai dạy võ cho các công chúa và hoàng tử. Jauhiainen kể bà dần trở thành bạn thân của Latifa và cũng tham gia kế hoạch đưa công chúa rời UAE. Bản thân Jauhiainen đã bay ra nước ngoài nhiều lần để gặp ông Jaubert.

Trốn chạy bất thành

Trước làn sóng dư luận lo ngại về tung tích của Latifa, chính phủ UAE mới đây đã công bố những bức ảnh đầu tiên của công chúa Dubai sau hơn 1 năm kể từ sau vụ trốn thoát bất thành. Bức ảnh cho thấy công chúa đang ngồi ăn cùng cựu Tổng thống Ireland Mary Robinson khi bà được hoàng gia Dubai mời sang thăm hồi tháng 12.2018. “Trong chuyến thăm Dubai, bà Mary Robinson đã được trấn an rằng công chúa Latifa đang nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết mà công chúa muốn”, tờ The Guardian dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao UAE viết, đồng thời cho biết đây là bằng chứng cho thấy công chúa Latifa đang sống với gia đình tại Dubai. Bà Robinson từng đảm nhận cương vị Cao ủy Nhân quyền của LHQ từ năm 1997 - 2002. Tuy nhiên, công chúng vẫn hoài nghi về bức ảnh với lập luận rằng công chúa đã bị ép xuất hiện và tỏ ra bình thường.
Vào một ngày cuối tháng 2.2018, Latifa và Jauhiainen đi ăn sáng như bình thường để tránh gây nghi ngờ cho các cận vệ, theo BBC dẫn lời kể của nữ võ sư. Tại nhà hàng, công chúa thay quần áo và đeo kính râm rồi cả hai lén từ cửa sau chạy ra một chiếc xe do Jauhiainen thuê từ trước và để sẵn trong bãi đỗ. Hai người lái xe xuyên biên giới tới Oman rồi ra biển, nơi ông Jaubert đang đợi sẵn trên một du thuyền. Từ đây, cả nhóm lên đường đến bang Goa thuộc miền tây nam Ấn Độ.
Một tuần sau khi rời Oman, do lo ngại có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào, Latifa đã quay sẵn đoạn phim để dùng công bố trong trường hợp xấu xảy ra. “Nếu các bạn đang xem video này thì điều tồi tệ đã xảy ra. Tôi đã chết hoặc đã ở trong tình huống rất, rất, rất xấu”, Latifa nói trong đoạn clip. Công chúa Dubai cũng khẳng định đã sẵn sàng đón nhận các biện pháp trừng phạt nặng nề giống chị gái, nếu bị bắt lại.
Từ trên thuyền, Latifa liên lạc với Detained in Dubai (tổ chức tại Anh chuyên đòi quyền lợi cho những người bị giam giữ không có lý do chính đáng tại UAE) cũng như cầu cứu giới truyền thông. Tuy nhiên, cô nhận được rất ít phản hồi, có lẽ không mấy ai tin vào câu chuyện từ bỏ cuộc sống nhung lụa của công chúa Dubai hoặc do sức ép từ UAE. “Cô ấy đã gửi email cho các phóng viên, song không ai hồi đáp. Cô ấy rất tuyệt vọng và buồn rầu”, võ sư Jauhiainen kể lại với BBC.
Vài ngày sau đó, chiếc du thuyền bị một nhóm vũ trang được cho là đặc nhiệm UAE tấn công. Họ tiếp cận du thuyền trên 2 tàu tấn công cao tốc, dùng lựu đạn gây choáng và hơi cay để khống chế các thủy thủ và nhanh chóng đưa Latifa lên trực thăng. Một số nhân chứng kể trong cuộc đột kích còn có sự xuất hiện của tàu tuần duyên Ấn Độ. Tờ Hindustan Times dẫn nguồn cấp cao loan tin giới lãnh đạo Ấn Độ đã nhận yêu cầu trực tiếp từ đích thân tiểu vương Mohammed về việc hỗ trợ can thiệp. Tuy nhiên, cả chính phủ lẫn lực lượng tuần duyên đều lên tiếng phủ nhận.
Trong hơn 1 năm qua, công chúa Latifa chưa từng xuất hiện trước công chúng và bạn bè cô cho hay đã bị ngắt liên lạc hoàn toàn. “Cô ấy từng nói thà bị giết trên thuyền hơn là quay lại Dubai. Tôi không biết cô ấy ở đâu. Tôi thật sự rất lo lắng”, ông Jaubert nói. Bản thân ông và bà Jauhiainen cũng bị đưa về UAE để thẩm vấn và buộc ký vào giấy nhận tội có liên quan kế hoạch “bắt cóc” Latifa. Tuy nhiên, phía Dubai cũng được cho là không muốn làm lớn chuyện và gây rắc rối ngoại giao nên cả hai đều được phóng thích.
Đáp lại những thông tin trên, hoàng gia Dubai đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc đối xử tệ với công chúa, đồng thời tuyên bố Latifa “là người dễ bị lợi dụng” và đã “bị bắt cóc”. Chính phủ UAE khẳng định cô vẫn an toàn và hiện đang sống bên người thân, theo tờ The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.