Cuộc đua robot công nghiệp

13/08/2020 09:15 GMT+7

Lao vào cuộc đua công nghệ mạng di động thế hệ mới 5G, Mỹ và Trung Quốc bị cho là hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với Nhật Bản, châu Âu trong lĩnh vực chế tạo robot công nghiệp.

Một số chuyên gia từng cho rằng Trung Quốc đe dọa vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Tuy nhiên, Nhật Bản và châu Âu đã vượt Mỹ trong lĩnh vực này từ lâu, chứ không phải Trung Quốc. Hiện các công ty Nhật Bản và châu Âu là nhà cung cấp thiết bị tự động hóa công nghiệp hàng đầu thế giới, theo tờ Asia Times.

Trung Quốc lấn sân vào công ty robot châu Âu

Robot công nghiệp là yếu tố then chốt để đánh giá trình độ, quy mô sản xuất, vị trí của một quốc gia trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp. Theo báo cáo của Liên đoàn Robot học quốc tế (IFR), tập đoàn Fanuc, Yaskawa, Kawasaki và các nhà sản xuất Nhật Bản khác chiếm ít nhất 60% hệ thống tự động hóa được lắp đặt trên toàn cầu. Tập đoàn ABB (Thụy Sĩ), Kuka (Đức) và các công ty châu Âu khác đóng góp gần 30%. Xét về giá trị hàng hóa, Fanuc, Yaskawa, ABB và Kuka chiếm hơn 70% thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia đánh giá Mỹ “thua trận” trong cuộc đua robot công nghiệp. Còn báo cáo của IFR chỉ ra rằng các robot công nghiệp do Trung Quốc sản xuất trong năm 2018 chiếm gần 10% tổng số lượng được lắp đặt trên toàn thế giới và 27% thị trường nội địa. Theo IFR, Trung Quốc mua rất nhiều robot công nghiệp nhưng vẫn chưa phải là nhà sản xuất lớn.

Gặp Fluffy - robot giống chó giúp Ford tăng hiệu quả sản xuất

Tuy nhiên, báo cáo của IFR không bao quát xu hướng Trung Quốc thâu tóm hàng chục công ty robot công nghiệp khác ở châu Âu và Mỹ trong vòng 5 năm qua. Đáng chú ý nhất là Tập đoàn Midea của Trung Quốc thâu tóm công ty Đức Kuka vào năm 2016. Kể từ đó, chính phủ Đức tăng cường kiểm soát, siết chặt quy định về thâu tóm doanh nghiệp.
Theo đánh giá của chuyên san Nikkei Asian Review, chiến dịch thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đã đạt một số thành công nhất định, bất kể vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước châu Âu và Mỹ. Chẳng hạn, Công ty Siasun, nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, có mối liên hệ mật thiết với Viện Hàn lâm khoa học và chính quyền Trung Quốc.
Nikkei Asian Review dẫn lời một giám đốc điều hành giấu tên của Siasun tiết lộ: “Chúng tôi đã thu hẹp khoảng cách với các công ty bên ngoài về chất lượng và công nghệ robot công nghiệp”. Cụ thể, Siasun thống lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia.

Tác động của đại dịch Covid-19

Giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung leo thang và cuộc đua giành vị thế thống lĩnh trong công nghệ mạng di động thế hệ mới 5G, các công ty chế tạo robot công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản lại mở rộng dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.
Chẳng hạn, Công ty đa quốc gia ABB (Thụy Sĩ) hồi tháng 9.2019 khởi công xây dựng nhà máy mới gần TP.Thượng Hải (Trung Quốc). Nhà máy của ABB tại Trung Quốc dự kiến đi vào hoạt động năm 2021. “Đây sẽ là nhà máy hiện đại nhất trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp trên thế giới - một trung tâm chế tạo robot”, theo thông báo của ABB. Các nhà sản xuất Nhật Bản như Fanuc, Yaskawa và Kawasaki cũng đã mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong vòng 3 năm qua.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tác động đến kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của những nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu. Các công ty nghiên cứu thị trường dự báo số lượng robot công nghiệp được lắp đặt trên toàn thế giới giảm 47% trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Hãng nghiên cứu thị trường Interact Analysis ước tính ngành chế tạo robot công nghiệp chỉ có thể chứng kiến sự tăng trưởng vào năm 2022. Theo dự báo của IFR, đến năm 2022 sẽ có khoảng 4 triệu robot công nghiệp trên toàn thế giới so với mức 2,4 triệu robot đang hoạt động hiện nay, tuy nhiên xu hướng có thể thay đổi tùy theo tình hình diễn biến của đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.