Khu Bảo an hỗn hợp liên Triều (JSA), được biết đến nhiều hơn với cái tên Bàn Môn Điếm (Panmunjom) là một phần của Vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953. Theo một thỏa thuận vào thời điểm đó, hai miền Triều Tiên xây dựng 2 ngôi làng dân sự trong DMZ như biểu tượng của hòa bình. Cả hai đều nằm cách JSA gần 2 km, với làng của CHDCND Triều Tiên mang tên Kijongdong còn làng Hàn Quốc mang tên Taesungdong. Bình Nhưỡng khẳng định trong làng Kijongdong có một hợp tác xã với 200 gia đình cùng đầy đủ các tiện ích như trường học và bệnh viện, nhưng theo phía Seoul thì Kijongdong là “làng ma không có người ở”.
tin liên quan
Tổng thống Hàn Quốc sẽ đón lãnh đạo Triều Tiên ở giới tuyến liên TriềuTuy nhiên, tờ USA Today dẫn lời trưởng làng Kim Dong-ku cho hay tình hình có nhiều thay đổi trong thời gian qua sau những chuyển biến tích cực trên bán đảo. Đáng kể nhất là cường độ âm thanh. Trước đó, các dàn loa phát thanh đồ sộ của hai miền Triều Tiên đua nhau hoạt động suốt ngày đêm, khiến dân làng luôn phải sống trong tiếng ồn “rất khó chịu đựng được”. Triều Tiên liên tục phát tuyên truyền về sức mạnh hạt nhân cũng như lên án Mỹ và Hàn Quốc, còn miền Nam phát tin tức và cả nhạc pop. “Việc tuyên truyền đã dừng và chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều”, ông Kim nói.
Mặt khác, những người chấp nhận đến Taesungdong sinh sống được hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ Hàn Quốc. Mỗi hộ được cấp gần 7 ha đất và thu nhập hằng năm khoảng 100.000 USD (2,25 tỉ đồng), cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của nông dân nước này. Sản phẩm của họ chủ yếu là lúa gạo mang thương hiệu DMZ. Ngoài ra, người dân không phải đóng thuế và được miễn nghĩa vụ quân sự nên theo luật, phụ nữ không được kết hôn với đàn ông bên ngoài, tránh có người lợi dụng hôn nhân để trốn quân dịch. Ngược lại, phụ nữ bên ngoài có thể lấy chồng tại đây và chuyển đến sống. Tất cả người dân đều buộc phải sống trong làng ít nhất 240 ngày mỗi năm.
|
Theo USA Today, ngôi trường duy nhất ở Taesungdong hiện có 35 em từ tuổi mẫu giáo cho đến lớp 6. Trường được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, miễn học phí và đặc biệt có binh sĩ Mỹ dạy tiếng Anh. Bên trong ngôi trường, dường như mọi căng thẳng được trút bỏ, chỉ còn lại tiếng đọc bài, cười đùa của các em nhỏ. Hiệu trưởng Jin Young-jin cho hay học sinh phải diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp 2 lần mỗi năm và không được ra khỏi phạm vi sân trường cho đến khi tan học.
Khi cuộc họp thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bàn Môn Điếm vào hôm nay 27.4, dân làng Taesungdong sẽ được chứng kiến ở khoảng cách rất gần. Trưởng làng Kim bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ góp phần đặt nền tảng cho hòa bình lâu dài trên bán đảo để người dân Taesungdong không còn phải sống một cách “đặc biệt” nữa.
Lịch trình thượng đỉnh liên Triều
Tờ The Korea Herald hôm qua dẫn thông tin từ Phủ tổng thống Hàn Quốc cho hay Tổng thống Moon Jae-in sẽ đứng tại ranh giới hai miền ở Bàn Môn Điếm để đón nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un lúc 9 giờ 30 phút (giờ Seoul) vào hôm nay 27.4.
Nghi thức chào đón thượng khách và duyệt đội danh dự được cử hành khoảng 9 giờ 40 phút, trước khi hội đàm diễn ra vào 10 giờ 30 phút tại Nhà Hòa bình. Sau tiệc trưa, hai nhà lãnh đạo sẽ tham gia nghi thức trồng cây thông với hỗn hợp đất lấy từ núi Halla ở Hàn Quốc và núi Baekdu ở Triều Tiên, trước khi quay lại hội đàm. Tiệc tối cũng sẽ được tổ chức tại Nhà Hòa bình.
Cũng trong ngày 26.4, Hàn Quốc và Mỹ kết thúc sớm cuộc tập trận Đại bàng non (Foal Eagle) và sẽ tạm ngưng cuộc tập trận Giải pháp then chốt (Key Resolve) trong hôm nay.
|
Bình luận (0)