Cuộc tử chiến giữa cảnh sát và băng đảng ma túy tại Brazil

16/05/2006 23:17 GMT+7

Hơn một trăm cuộc đấu súng, nhiều con tin bị bắt cóc, hàng chục sinh mạng đã bị tổn thất và tình trạng bạo lực không thể kiểm soát đang tràn lan khắp bang Sao Paulo. Đây chính là khúc mở màn của cuộc đối đầu khủng khiếp nhất trong lịch sử giữa cảnh sát và các băng đảng ma túy Brazil từ cuối tuần qua.

"Cơn ác mộng"

Sự việc bắt đầu khi các nhân chứng trông thấy hai người đàn ông đeo mặt nạ xông vào một quán ăn tại Sao Paulo, rút súng nã vào đầu nhân viên cảnh sát Jose A.Martinez rồi rút chạy an toàn. Ngay đêm thứ sáu, các băng đảng đã đồng loạt cướp nhiều xe buýt, tấn công các nhà băng, đồn cảnh sát và các nhân viên cảnh sát tuần tra. Cảnh sát các khu vực có bạo động đã được áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất để trấn áp các hành động nổi loạn và phá hoại an ninh. Tuy nhiên, phía các băng đảng cũng tỏ rõ "quyết tâm" không hề thua kém: các thành viên băng đảng được trang bị lựu đạn và súng máy tự động đã thực hiện những vụ đấu súng quyết liệt với cảnh sát. Đến ngày 15.6 đã có khoảng hơn 100 cuộc đấu súng, 200 thường dân bị bắt làm con tin, có 70 người thiệt mạng (trong đó có 35 cảnh sát, 14 thành viên băng đảng) và khiến 32 cảnh sát khác bị thương đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Đồng thời, các tù nhân tại các nhà tù  Sao Paulo, Mato Gross du Sul và Parana và hàng loạt các nhà tù khác cũng tiến hành bạo động phối hợp với bên ngoài. Hiện đã có tới 51 nhà tù đã xảy ra bạo động, chiếm gần 1/3 trong tổng số 144 nhà tù của Brazil. Các tù nhân bạo động đã tiến hành bắt giữ làm con tin 240 cảnh sát trại giam và người ta chưa rõ số phận của những nhân viên này khi họ đang ở trong tay các loại tội phạm.

Lịch sử đang được lặp lại?

Tình trạng bạo lực đang xảy ra khiến người ta không thể không nhớ đến sự việc tương tự đã xảy ra tại Brazil vào tháng 12.2003: Một băng đảng buôn lậu ma túy khét tiếng có tên Đội quân thứ nhất thủ đô (PCC) với trang bị vũ khí đến tận răng như súng máy, bom tự tạo... đã đồng loạt tấn công 50 đồn cảnh sát, giết hại và làm bị thương 15 nhân viên cảnh sát Brazil. Cuộc khủng hoảng đã kéo dài trong 10 ngày và được cho là do các ông trùm của PCC, lúc đó đang ngồi trong nhà tù, "thiết kế" để gây sức ép đòi chính quyền thực hiện yêu sách cải thiện điều kiện sống của tù nhân Brazil.

Thống đốc bang Sao Paulo C.Lembo cho rằng PCC lại là "tác giả" của cuộc khủng hoảng bạo lực lần này tại bang của ông và hành động của PCC chẳng qua chỉ là sự "đáp trả" cho việc thuyên chuyển 765 tù nhân đến một nhà tù có mức độ an ninh cao hơn, trong đó có 7 tù nhân là thành viên của PCC. Tổ chức PCC lại chọn Sao Paulo làm "địa bàn" lần này vì đây là một "nhà tù" lớn của Brazil với số lượng tù nhân khoảng 130 nghìn trong số 360 nghìn tù nhân hiện nay của Brazil.

Tuy nhiên, mức độ bạo lực của cuộc khủng hoảng lần này có vẻ không như cách đây 3 năm: các băng đảng đã tấn công ngay cả một đồn cảnh sát chữa cháy, những nhân viên cảnh sát không hề được vũ trang, khiến 1 người bị thiệt mạng. Đêm 14.5, số này còn cướp 60 xe buýt, đuổi hết hành khách và sử dụng các xe này đi tấn công các đồn cảnh sát. 

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng

Sau khi những tin tức đầu tiên về tình trạng bạo lực đã xảy ra, Thống đốc bang C.Lembo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Sao Paulo. Ông từ chối đề nghị cứu trợ của các bang khác và nói rằng tình hình an ninh vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, người phát ngôn của Cơ quan an ninh bang Sao Paulo E.Lucciola tuyên bố rằng đây là vụ bạo lực tàn bạo nhất trong lịch sử Brazil và "chính quyền sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào với bọn tội phạm". Tuy nhiên, đến nay tổ chức PCC và các tù nhân nổi loạn vẫn chưa đưa ra một yêu sách nào với chính quyền bang Sao Paulo. Trong khi đó, tình trạng bạo lực đã lan ra đến một số khu vực khác như Guaruja, Santos, Cubatao và một số nơi khác. Một số người đã lo lắng cho rằng có thể sẽ "tái diễn" lại một bi kịch trong cuộc nổi loạn năm 1992 tại nhà tù Carandiru - khi đó, chính phủ đã thẳng tay đàn áp khiến 111 tù nhân thiệt mạng. (BBC)

H.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.