Cường quốc quân sự Ấn Độ

23/12/2012 04:10 GMT+7

Ấn Độ đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quốc phòng để trở thành cường quốc quân sự đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc tại châu Á.

Đầu tháng này, Hãng tin IANS dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Samuel J.Locklear tuyên bố Washington ủng hộ New Delhi đóng vai trò lãnh đạo tại Ấn Độ Dương. Thực tế, Ấn Độ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cấu trúc an ninh tại khu vực này lẫn châu Á. Trình bày tham luận tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 4 diễn ra hồi tháng 11, Phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki của Nhật Bản, cũng nhận định tương tự.

Theo ông, New Delhi cùng Tokyo và Washington đang hình thành liên minh theo trục đông tây tại châu Á. Tất cả, diễn ra trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc gây lo ngại cho không ít quốc gia cả trong lẫn ngoài khu vực. Mặc khác, quan hệ Ấn - Trung cũng chẳng thuận buồm xuôi gió vì những tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên. Vì thế, New Delhi được kỳ vọng trở thành một đối trọng quân sự của Bắc Kinh tại khu vực châu Á. Vừa qua, giới chức quân sự Ấn Độ cũng khẳng định nước này sẵn sàng điều tàu chiến đến biển Đông nhằm bảo vệ quyền lợi của nước này. Tuyên bố được đưa ra sau khi Trung Quốc tự trao quyền để cảnh sát biển tỉnh Hải Nam kiểm tra và bắt giữ tàu bè trên biển Đông.

Trong khi đó, New Delhi thực tế hiện vẫn thua kém Bắc Kinh về cơ số khí tài quân sự. Vì thế, Ấn Độ thời gian qua không ngừng hiện đại hóa quốc phòng một cách toàn diện. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Ấn Độ không bị cho là sao chép công nghệ vũ khí từ nền công nghiệp quốc phòng hiện đại. Ngược lại, New Delhi vừa đặt mua những vũ khí tối tân vừa tăng cường hợp tác phát triển để nâng cao công nghệ quốc phòng.


Ấn Độ sẽ tự sản xuất khoảng 1.000 xe tăng T-90 - Ảnh: Defenseindustrydaily.com 

Đồ chơi tối tân

Hồi tháng 3, tờ The Economic Times nhận định New Delhi đang khẳng định sức mạnh quân sự trong khu vực khi trở thành khách hàng lớn trên thị trường vũ khí thế giới. Năm 2011, ngân sách quốc phòng nước này tăng 12%, xếp thứ 3 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, New Delhi đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng lên xấp xỉ mức 40 tỉ USD để hiện đại hóa cho lực lượng vũ trang với quân số lên đến 1,2 triệu binh sĩ. Trước đó, hồi tháng 2, báo The Times of India đưa tin New Delhi thông qua kế hoạch hiện đại hóa quân sự trị giá đến 13 tỉ USD.

Năm nay, Ấn Độ liên tục xúc tiến nhiều thương vụ để trang bị hàng trăm máy bay hiện đại cho lực lượng không quân. Đầu năm nay, Ấn Độ thương lượng với Hãng Dassault của Pháp để mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các loại máy bay tương tự. Ngày 22.12, tờ The Economic Times đưa tin Ấn Độ sẽ ký hợp đồng trị giá gần 5 tỉ USD để mua 42 chiến đấu cơ Su-30 và 59 máy bay trực thăng vũ trang Mi-17 của Nga. Với đơn hàng này, Ấn Độ sẽ bổ sung thêm đáng kể vào số lượng 230 chiếc Su-30 và 80 chiếc Mi-17 mà đã đặt mua trước đó từ Nga. Ngoài ra, cũng trong năm 2012, Ấn Độ còn đặt mua 75 máy bay huấn luyện Pilatus PC-7, của Thụy Sĩ, có khả năng tấn công hạng nhẹ. Đồng thời, New Delhi cũng vừa đặt mua 22 trực thăng tấn công đa nhiệm Apache và 15 trực thăng vận tải hạng nặng Chinook CH-47 từ Washington.

Đến nay, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Ấn Độ. Theo tạp chí Jane’s Defense Weekly, New Delhi còn đang xúc tiến kế hoạch trang bị thêm 1.657 xe tăng hạng nặng T-90 của Nga  cho 59 trung đoàn lục quân đến năm 2020. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nâng cấp thêm các thiết bị hỗ trợ tác chiến cho 2.200 xe tăng T-72 mà nước này đang sở hữu. Đồng thời, New Delhi cũng trang bị thêm 248 xe tăng do nội địa sản xuất. Mặt khác, lục quân Ấn Độ cũng sẽ được trang bị thêm hàng chục ngàn tên lửa chống tăng hiện đại được mua từ các nước trên thế giới.

Nền tảng vững chắc

Không chỉ mua sắm các khí tài tối tân, Ấn Độ còn đẩy mạnh năng lực nền tảng về công nghệ quân sự thông qua hợp tác với các nước, đặc biệt là Nga. Nhờ đó, trong khi Trung Quốc vẫn đang loay hoay phát triển chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, vốn là tàu cũ mua lại từ Ukraine thì Ấn Độ sắp cho ra mắt tàu sân bay tự đóng. Cuối năm 2011, tờ The Hindu đưa tin Ấn Độ vừa hé lộ tàu sân bay tự đóng đầu tiên mang tên INS Vikrant. Thực tế, New Delhi có khoảng 50 năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay kể từ khi sở hữu chiếc hàng không mẫu hạm INS Vikrant hồi thập niên 1960.

Về kỹ thuật chế tạo chiến đấu cơ, Ấn Độ sẽ đảm nhiệm hầu hết vai trò chế tạo dựa trên bản quyền công nghệ của Nga trong các hợp đồng gần đây. Điển hình như đơn hàng 42 chiếc Su-30 và 59 chiếc Mi-17 mà tờ The Economic Times vừa đưa tin. Tương tự, đối với đơn hàng 1.657 xe tăng T-90 mà New Delhi dự định trang bị đến năm 2020 thì có đến 1.000 chiếc do Ấn Độ tự chế tạo theo bản quyền của Nga. Ấn Độ cũng tiến hành những phương thức như thế trong các kế hoạch mua sắm pháo tự hành, lựu pháo và tên lửa chống tăng.

Đặc biệt, Ấn Độ còn là liên doanh duy nhất với Nga trong chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình T-50. Loại máy bay này đã được bay thử nhiều lần và sắp được sản xuất hàng loạt. Dự kiến, đến năm 2020, New Delhi sẽ tiến hành trang bị 200 chiếc T-50. Ngoài ra, theo website của Brahmos, Ấn Độ cũng là liên doanh của Nga trong dự án Brahmos Aerospace phát triển tên lửa đối hạm siêu thanh Brahmos nhanh nhất thế giới hiện nay. Đến nay, liên doanh này chế tạo thành công nhiều phiên bản tên lửa Brahmos có thể được khai hỏa từ tàu chiến nổi, hệ thống phóng lưu động trên đất liền và cả chiến đấu cơ. Loại hỏa tiễn này có giá trung bình khoảng 2,7 triệu USD và đạt tốc độ Mach 2,8 (tức gấp 2,8 lần vận tốc âm thanh, tương đương 3.500 km/giờ), tầm bắn lên đến 290 km và có thể mang theo đầu đạn 300 kg. Hiện tại, tên lửa Brahmos đang được thúc đẩy phát triển thế hệ thứ 2.

Nhờ vào những chương trình hợp tác phát triển trên, New Delhi đang từng bước sở hữu những công nghệ quốc phòng hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Đây chính là cơ sở để quân sự Ấn Độ đạt được bước phát triển bền vững lâu dài. 

Sở hữu tàu ngầm hạt nhân

Trong năm 2012, Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân khi thuê lại tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Akula của Nga. Dự kiến, vào đầu năm sau, tàu sân bay Vikramaditya (có tên cũ là Đô đốc Gorshkov) cũng sẽ được Moscow bàn giao cho New Delhi. Giữa năm nay, tờ The Economic Times dẫn thông báo từ hải quân Ấn Độ cho hay nước này dự kiến bổ sung thêm ít nhất 5 chiến hạm hiện đại mỗi năm trong thập niên tới. Ngoài ra, vào năm sau New Delhi triển khai thêm 2 tàu ngầm hạt nhân.

Ngô Minh Trí

>> Ấn Độ sẽ mua hơn 100 chiến đấu cơ, trực thăng Nga
>> Việt Nam tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ
>> Ấn Độ tranh cãi quanh chuyện đội mũ bảo hiểm
>> Sập nhà ở Ấn Độ, 13 người chết
>> Ấn Độ, ASEAN hợp tác an ninh biển
>> Ấn Độ khẳng định không “dính” linh kiện quốc phòng Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.