Dân chủ và tự do ngôn luận

20/01/2015 04:32 GMT+7

Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên , học giả nổi tiếng Ian Buruma đưa ra kiến giải về những tranh cãi xung quanh tự do ngôn luận sau vụ tấn công ở Pháp vừa qua.

Trong bài viết độc quyền cho Thanh Niên, học giả nổi tiếng Ian Buruma đưa ra kiến giải về những tranh cãi xung quanh tự do ngôn luận sau vụ tấn công ở Pháp vừa qua.

 Người đứng đầu chính quyền Chechnya Ramzan Kadyrov phát biểu tại cuộc biểu tình phản đối Charlie Hebdongày 19.1 - Ảnh: AFPNgười đứng đầu chính quyền Chechnya Ramzan Kadyrov phát biểu tại cuộc biểu tình
phản đối
Charlie Hebdongày 19.1 - Ảnh: AFP
Cách đây hơn 10 năm, nhà làm phim Hà Lan Theo Van Gogh bị một phần tử Hồi giáo cực đoan bắn chết ngay trên đường phố Amsterdam. Cũng giống như các họa sĩ châm biếm của Charlie Hebdo, Van Gogh là một kẻ “chuyên khích bác”, một nghệ sĩ dám phá vỡ mọi điều cấm kỵ và thách thức các chuẩn mực đạo đức.
Khi bài bác Do Thái là một “trọng tội” tại châu Âu sau Thế chiến 2, Van Gogh tung ra những tác phẩm giễu nhại gây sốc về phòng hơi ngạt và trại tập trung. Khi chúng ta được bảo phải tôn trọng đạo Hồi, ông ta chế nhạo Thánh Allah và cả tiên tri Muhammad, giống hệt những gì Charlie Hebdo đã làm.


Ảnh: Project Syndicate
Ian Buruma (ảnh), 63 tuổi, hiện là Giáo sư Đại học Bard (Mỹ). Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và bài bình luận có tác động lớn về dân chủ, nhân quyền và sự đa dạng xã hội. Năm 2010, ông được chuyên san Foreign Policy đưa vào danh sách 100 trí thức hàng đầu của thế giới.

Theo tôi, một trong những mục đích của Van Gogh hay Charlie Hebdo là thử xem giới hạn về tự do ngôn luận có thể bị kéo căng tới mức nào, cả về pháp lý lẫn xã hội. Rốt cuộc thì bất chấp những tuyên bố có phần lên gân và kích động sau các vụ giết người ghê rợn ở Pháp, tự do ngôn luận không phải là điều tuyệt đối. Thực chất, hầu như mọi quốc gia châu Âu, kể cả Pháp, đều có luật chống các phát ngôn kích động thù hận.
Rõ ràng, tự do ngôn luận chỉ mang tính tương đối. Thẩm phán hay chính trị gia không thể có những phát ngôn như nhà văn hay nghệ sĩ. Có những ngôn từ nếu người Mỹ gốc Phi nói với nhau thì không sao nhưng sẽ “có chuyện” nếu chúng phát ra từ miệng người da trắng. Những quy tắc cơ bản của phép lịch sự đã tạo ra rào cản trong xã hội chống lại việc nói bất cứ điều gì mình muốn.
Dĩ nhiên, trong các xã hội dân chủ lành mạnh phải luôn có không gian tồn tại cho những tiếng nói khác biệt, cho những người dám thách thức các khuôn mẫu có sẵn và bạo lực là cách phản ứng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đánh đồng Theo Van Gogh hay Charlie Hebdo với “nền dân chủ” và “nền văn minh phương Tây” thì lại quá khiên cưỡng. Nói vậy thì chẳng khác nào tuyên bố al-Qaeda là đại diện cho nền văn minh phương Đông hoặc Hồi giáo. Hoặc nhìn theo góc khác thì văn hóa xúc phạm và khiêu khích đã đi ngược lại phương thức vận hành của hệ thống dân chủ.
Dân chủ, dù ở phương Tây hay bất cứ nơi nào khác, đều dựa trên nền tảng là sự sẵn sàng thỏa hiệp để giải quyết các xung đột lợi ích một cách hòa bình trong khuôn khổ thượng tôn pháp luật. Để dân chủ hoạt động, mọi người cần phải sẵn sàng cho và nhận. Điều này cũng có nghĩa là trong một xã hội văn minh, chúng ta đồng ý sống chung với sự khác biệt. Một điều kiện tiên quyết khác là xã hội dân chủ không thể chấp nhận việc dùng bạo lực để áp đặt quan điểm, dù là nhân danh tôn giáo, chính trị, hoặc cả hai.
Bên cạnh đó, theo tôi, một trong những giá trị mà các thế lực thù địch, bao gồm cả những tổ chức Hồi giáo cực đoan, muốn đạp đổ nhất là khả năng thỏa hiệp, đối thoại và thích nghi của xã hội dân chủ. Điều chúng hướng tới còn là lôi kéo thêm càng nhiều người gia nhập càng tốt. Vì thế, trong bầu không khí căng thẳng hiện nay, nếu cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu càng cảm thấy bị chối bỏ, kỳ thị và vây hãm thì họ càng có xu hướng ngả về phe cực đoan. Nếu chúng ta có thể chấp nhận và đối xử bình đẳng với những người Hồi giáo yêu chuộng hòa bình, tuân thủ pháp luật (nói rộng ra là chấp nhận sự đa dạng và khác biệt) thì nền dân chủ của chúng ta sẽ càng được củng cố mạnh mẽ hơn.
Tiếp tục biểu tình chống Charlie Hebdo ở nhiều nước
Ngày 19.1, khoảng 800.000 người tại Chechnya, Nga cũng xuống đường biểu tình phản đối tranh bìa số mới nhất có hình tiên tri Muhammad của tờ Charlie Hebdo, theo AFP.
Lãnh đạo chính quyền là ông Ramzan Kadyrov cũng có mặt và phát biểu tại sự kiện này. Cùng ngày, Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo Iran tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Tehran để phản đối tranh bìa số mới nhất có hình tiên tri Muhammad của tờ Charlie Hebdo. AFP dẫn lời đại diện ban tổ chức Sadegh Nasrollahi cho biết nhiều nghị sĩ của Iran cũng tham dự cuộc biểu tình. Tehran đã lên án đợt tấn công tòa soạn Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng hôm 7.1 nhưng cũng chỉ trích việc báo này tiếp tục đăng biếm họa về tiên tri Muhammad là “lạm dụng tự do ngôn luận”. Trước đó, các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức ở nhiều nước với sự tham dự của đại diện một số tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành.
Trước làn sóng phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới, trả lời kênh truyền hình Mỹ NBC hôm qua, Tổng thư ký tòa soạn báo Charlie Hebdo Gérard Biard nói: “Mỗi khi chúng tôi vẽ biếm họa về tiên tri hay thượng đế là chúng tôi bảo vệ tự do tôn giáo”. Tuy nhiên, theo tờ The Telegraph, họa sĩ biếm họa nổi tiếng Maurice Sinet từng bị Charlie Hebdo sa thải vào năm 2009 vì vẽ tranh châm biếm Do Thái giáo và còn bị chỉ trích là “bài Do Thái, kích động hận thù chủng tộc”.
Lan Chi - Danh Toại
(Danh Toại lược dịch)
© Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.