>> Kyrgyzstan: Phe chống đối lập chính phủ
Phe đối lập tại Kyrgyzstan hôm qua tiếp tục có những động thái để củng cố vị thế sau khi tuyên bố giành quyền lãnh đạo và thành lập chính phủ lâm thời. AP dẫn lời cựu Ngoại trưởng Roza Otunbayeva, được bổ nhiệm làm lãnh đạo tạm quyền, tuyên bố chính quyền mới đã kiểm soát toàn bộ thủ đô Bishkek cùng 4 trong số 7 tỉnh của nước này, và sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 6 tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Ismail Isakov thì tuyên bố tất cả những tướng lĩnh chủ chốt trong quân đội đều cam kết hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới.
Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hôm qua xác nhận ông đang ở miền nam Kyrgyzstan sau khi cùng gia đình tháo chạy khỏi Bishkek vào hôm 7.4 nhưng không nói rõ địa điểm. Có tin ông đã rút về thành phố Osh, một căn cứ chính trị quan trọng của mình, để tập họp lực lượng chuẩn bị phản công, đưa đến nguy cơ nội chiến giữa hai miền nam - bắc. Trang tin 24.kg dẫn lời tổng thống tuyên bố ông sẽ không từ chức.
Kyrgyzstan nằm ở khu vực Trung Á, giáp Kazakhstan về phía bắc, Uzbekistan về phía tây, Tajikistan về phía tây nam và Trung Quốc về phía đông. Kyrgyzstan có diện tích 199.900 km2, thủ đô là Bishkek và dân số khoảng 5,5 triệu người, phần lớn theo Hồi giáo. Đây là một trong những nước thuộc Liên Xô trước đây, nghèo nhất ở Trung Á. Mỹ thành lập căn cứ không quân Manas tại Kyrgyzstan vào cuối năm 2001 nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự ở Afghanistan. Tổng thống Bakiyev từng dọa đóng cửa căn cứ này vào năm 2008 sau khi đạt được thỏa thuận về một khoản vay từ Nga. Tuy nhiên, ông đã đảo ngược quyết định này sau khi Mỹ tăng hơn gấp 3 tiền thuê căn cứ hằng năm từ 17 triệu USD lên 60 triệu USD. Vài tuần sau đó, Kyrgyzstan đồng ý để Nga mở một căn cứ quân sự trên lãnh thổ để cân bằng với sự hiện diện của Mỹ tại đây, theo BBC. Hai căn cứ này chỉ cách nhau 30 km. (Tr.Quang) |
Bất ổn đã lan tràn tại Kyrgyzstan từ tháng 3 năm nay. Vật giá liên tục tăng, giá năng lượng tăng tới 200% trong khi thu nhập bình quân hằng tháng của người dân chỉ có 130 USD, theo Reuters. Phe đối lập liên tục cáo buộc Tổng thống Bakiyev tham nhũng, độc tài và gia đình trị. Sự phẫn nộ của người dân càng dâng cao khi trong mấy tuần qua, chính phủ liên tục đàn áp, bắt bớ những người chống đối và “bịt miệng” giới truyền thông, theo AP. “Những sự kiện vừa qua là câu trả lời cho đàn áp và độc tài”, bà Otunbayeva tuyên bố hôm qua.
Tình hình tại Bishkek hôm qua vẫn khá hỗn loạn dù chính quyền mới đã ra lệnh cho cảnh sát bắn tại chỗ những kẻ hôi của và phá hoại. Người dân vẫn tràn vào tư dinh của Tổng thống Bakiyev để lấy mọi thứ, từ máy tính, bàn ghế cho đến cả cây cảnh, theo AFP. Trước cảnh xa hoa trong dinh thự của gia đình tổng thống, đám đông càng thêm giận dữ. Xé toạc tấm ảnh vợ ông Bakiyev khỏi một khung ảnh nạm đầy đá quý, một người đàn ông hét lên: “Hãy nhìn Bakiyev sống như thế nào trong khi dân chúng chết đói!”. Điều trớ trêu là ông Bakiyev đã lên nắm quyền sau Cách mạng hoa tulip năm 2005 lật đổ Tổng thống Askar Akayev cũng với những cáo buộc như trên. Phe đối lập hiện nay còn là đồng minh cũ của ông trong đợt đảo chính năm xưa.
Giới quan sát đánh giá đợt chính biến lần này có thể khiến Kyrgyzstan xích lại gần Nga hơn vì bà Otunbayeva vốn có quan hệ gần gũi với Moscow. Hôm qua, bà đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và ông Putin đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho Kyrgyzstan. Trong khi đó, Mỹ và EU lại “mất điểm” khi trong thời gian qua bị cho là nhân nhượng với chính quyền Bakiyev để duy trì căn cứ quân sự ở Manas bên ngoài Bishkek, vốn là điểm tập kết quan trọng của Mỹ và NATO cho chiến trường Afghanistan. AFP dẫn lời bà Otunbayeva hôm qua tuyên bố căn cứ này vẫn hoạt động bình thường dù trước đó phe đối lập đòi đóng cửa nó. Tuy nhiên với khả năng quan hệ giữa Kyrgyzstan và Nga sẽ càng ấm lên thì số phận căn cứ Manas có thể cũng sẽ thay đổi.
Thế giới quan ngại Mỹ, Nga, Trung Quốc hôm qua đều bày tỏ thái độ lo ngại sâu sắc đối với tình hình Kyrgyzstan. Đây là 3 nước đang tranh nhau sự ảnh hưởng tại quốc gia có vị trí chiến lược ở Trung Á. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ P.J.Crowley cho hay chính quyền Tổng thống Barack Obama đang theo dõi chặt chẽ biến cố tại Kyrgyzstan, yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp, theo AP. Thủ tướng Vladimir Putin bác bỏ các tin đồn Nga có liên hệ với phe đảo chính tại Kyrgyzstan, nhưng chỉ trích tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev đã giẫm lên vết xe đổ của người tiền nhiệm Askar Akayev. RIA Novosti đưa tin Nga cũng đã gửi 150 lính dù đến căn cứ quân sự của nước này gần thủ đô Bishkek để tăng cường an ninh trước tình hình hỗn loạn. Trung Quốc cũng tuyên bố hết sức quan tâm tới diễn biến tình hình quốc gia láng giềng, kêu gọi nhanh chóng lập lại trật tự tại thủ đô và các nơi khác, đồng thời đề nghị các bên giải quyết các vấn đề trên các kênh hợp pháp. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho hay sẽ gửi ngay phái đoàn đến quốc gia Trung Á, dự kiến đến nơi vào hôm nay, theo AFP. (T.M)
Bà Otunbayeva sinh ngày 23.8.1950 tại thành phố miền nam Osh và tốt nghiệp khoa Triết tại Đại học Quốc gia Moscow. Bà bước vào chính trường từ thập niên 1970 và nhanh chóng vươn lên nắm giữ các vị trí cao cấp trong đảng Cộng sản. Năm 1992, một năm sau khi Kyrgyzstan tuyên bố độc lập, bà Otunbayeva trở thành Đại sứ đầu tiên của Kyrgyzstan tại Mỹ và hai năm sau trở thành Ngoại trưởng. Bà Otunbayeva chấm dứt liên minh với ông Akiyev vào năm 2004 để gia nhập phong trào đối lập. Đảng Ata-Jurt do bà đồng sáng lập, là một trong những nhóm chủ chốt trong Cách mạng hoa tulip hồi năm 2005 đưa ông Kurmanbek Bakiyev lên nắm quyền. Sau đó, bà chuyển sang chỉ trích mạnh mẽ đồng minh cũ Bakiyev và gia nhập đảng Dân chủ xã hội đối lập vào năm 2007. Otunbayeva, người có quan hệ gần gũi với Nga, được đánh giá là có tham vọng trở thành tổng thống. Hiện chưa rõ liệu bà có thực hiện được điều này hay không, dù có rất ít người có thể thách thức vị thế của bà trên chính trường Kyrgyzstan hiện nay. (Theo AFP, BBC, RIA Novosti) Trùng Quang |
Trọng Kha
Bình luận (0)