Bán nhà xưởng
Trong cảnh nhộn nhịp của hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc tại TP.Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), kéo dài đến 5.5, một gian hàng treo biển: “Hàng hóa rẻ mạt đây, bán nhà xưởng, thanh lý toàn bộ hàng hóa”. Chủ gian hàng là người thừa kế một cơ sở sản xuất hàng dệt may thành lập từ 32 năm trước, thời điểm Trung Quốc phất lên thành công xưởng toàn cầu về hàng dệt may và gia công quần áo. Trước khi quyết định bán nhà xưởng, chủ nhân cũng nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất tại nhà máy diện tích khoảng 40.000 m2, đồng thời bổ sung những mặt hàng mới với hy vọng vực dậy gia nghiệp. Tuy nhiên, giá nhân công tăng và nhu cầu đặt hàng từ nước ngoài giảm mạnh khiến gia đình này không còn cách nào khác là phải từ bỏ cuộc chơi. “Tôi không còn thấy tương lai”, tờ South China Morning Post dẫn lời người chủ họ Phan.
Tình trạng trên không chỉ xảy ra đối với một số cơ sở gia công hàng dệt may mà đang diễn ra trên diện rộng. Có thể nói năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực này đang ở giai đoạn thoái trào. Tuy nước này vẫn chưa bị mất vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới nhờ dân số đông, đất đai rộng lớn, nhưng bầu không khí ảm đạm đang lan tràn vì nguồn cung dư thừa, chi phí nhân công cao và trào lưu bảo hộ mậu dịch gia tăng trên toàn cầu. Thị phần của Trung Quốc trong thị trường dệt may thế giới đã giảm từ 38,6% vào năm 2015 xuống còn 35,8% trong năm 2016, với xu hướng sụt giảm được ghi nhận tại các thị trường chính như Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản.
Kể từ năm 2014, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tại Trung Quốc giảm mạnh từ khoảng 236 tỉ USD năm 2014 xuống còn 206 tỉ USD trong năm 2016, theo Đài CNBC dẫn số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Còn dữ liệu hải quan của Trung Quốc cũng thể hiện giá trị xuất khẩu của hàng may mặc và phụ kiện vào năm 2017 giảm 0,4% so với năm trước đó. Chi phí nhân công tại Trung Quốc lại thường xuyên gia tăng. Chẳng hạn, lương tối thiểu tại Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) hiện khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp đôi so với một số nước Đông Nam Á.
Chuyển sang Việt Nam và các nước khác
Bên cạnh đó, các nhãn hàng thời trang Mỹ đang tiến hành đa dạng hóa nguồn cung cấp. Kết quả khảo sát 34 nhà điều hành trong lĩnh vực thời trang nước này vào năm ngoái cho thấy, lần đầu tiên ít nhãn hàng Mỹ muốn đến Trung Quốc đặt hàng. Mô hình hiện tại đang chuyển từ “Trung Quốc và nhiều nước khác” thành “Trung Quốc và Việt Nam cộng nhiều nước khác”, theo Hiệp hội Ngành thời trang Mỹ. Điều này có nghĩa là đối với nhiều nhãn hàng Mỹ, 1/3 số sản phẩm sẽ do Trung Quốc gia công, 1/3 từ nguồn Việt Nam, và phần còn lại từ những nước khác.
Theo trang Textile Today, ngành dệt may Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 50 tỉ USD vào năm 2020. Trong năm 2016, Việt Nam được công nhận là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Kim ngạch xuất khẩu của ngành này chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Theo giới phân tích dự đoán, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang có nhiều triển vọng mở rộng và phát triển do người lao động ngày càng lành nghề hơn, năng suất được cải thiện và chất lượng ngày một tốt hơn. Và theo đà này, Việt Nam được dự đoán có thể nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới.
Bình luận (0)