Đi tìm 9.000 người mất tích

17/03/2011 14:46 GMT+7

(TNO) Căng mắt ra giữa những danh sách người chết được viết chi chít ở tòa thị chính Natori, Hideki Kanon bỗng hoảng hốt khẽ la lên: “Chắc đó là mẹ”. Rồi anh run rẩy lao đến nhà xác dã chiến ở gần đó. Tuyết đang rơi dày đặc…

“Chúng tôi vẫn tìm họ”

Danh sách người chết dán trên tường của Tòa thị chính Natori (Nhật) cứ dài ra mãi. Có người được viết đầy đủ họ tên. Nhiều trường hợp khác chỉ là những dòng mô tả ngắn:

Nữ. Khoảng 50 tuổi. Trong túi áo có đậu phộng. Nốt ruồi lớn. Đeo đồng hồ Seiko.

Nam. Từ 70-80 tuổi. Đeo tạp dề có chữ “Rentacom”.

 
Các đội cứu hộ vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ- Ảnh: AFP

Sáu ngày sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng, số người chết theo thống kê chính thức của chính phủ đã vượt quá 5.000. Gần 9.000 người khác mất tích, theo BBC. Hàng trăm đoàn cứu hộ của Nhật và của các nước đang tìm kiếm họ. Hàng chục ngàn cá nhân khác - những người Nhật đang thấp thỏm mơ hồ về sự chết chóc xen lẫn với niềm hy vọng tìm được cha, được mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè…. - cũng lao vào tìm kiếm.

Tại thị trấn công nghiệp Kamaishi, khoảng 70 lính cứu hỏa Anh trong đồng phục màu cam đã len lỏi giữa những chiếc xe hơi nằm chỏng chơ, giữa những đống đổ nát cao ngất, giữa những bức tường sụp nham nhở để cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống.

Một phụ nữ được kéo ra từ dưới một cái tủ lạnh. Nhưng đó là một xác chết lạnh ngắt.

Hãng tin AP dẫn lời Pete Stevenson, trưởng nhóm cứu hộ nói hôm 16.3: “Trong ngày hôm nay và ngày mai vẫn còn hy vọng tìm thấy người sống sót. Chúng tôi vẫn tìm họ”.

Dán niềm hy vọng lên cửa kính

Giữa những con số thiệt mạng lên tới hàng ngàn, có khi hàng chục ngàn, đâu đó vẫn có những thông tin về một người được cứu sau 95 giờ dưới đống đổ nát, những đứa trẻ sóng sót diệu kỳ, những cụ già thoát chết một cách ngoan cường…

Và mọi người vẫn cứ hy vọng.

 
Nỗi đau quá lớn đối với những người sống sót - Ảnh: Reuters

Họ đã tìm mọi cách để lại tin nhắn cho người thân, kể cả bằng cách truyền thống nhất: dán lời nhắn lên những chỗ công cộng hay những khu tập trung tạm thời.

Tại Tòa thị chính Natori, tất cả các cửa kính đều được phủ kín bằng những mảnh giấy chứa đựng những niềm hy vọng: “Tôi đang tìm một ông già 75 tuổi. Làm ơn gọi cho tôi nếu bạn thấy ông”.

“Gởi Miyuki Nakayama: Tất cả mọi người trong gia đình em đều ổn cả! Mọi người không thể dùng điện thoại di động của mình nên em không thể gọi. Hãy về nhà nếu có thể. Cầu nguyện cho em!”.

Tòa thị chính cũng dán danh sách 5.000 người đang trú ẩn tạm thời ở các khu tập trung, theo AP. Yu Sato chụp hình danh sách này. Anh nói: “Tôi sẽ đăng nó lên mạng internet để những người ở xa cũng biết thông tin”. Ai có thể làm được bất kỳ điều gì đều đang cố gắng thực hiện, chỉ mong sao những người đang mất liên lạc mau chóng tìm thấy nhau.

Mất dấu nơi ở của chính mình

Còn ở thị trấn Otsuchi, bà Reiko Miura, 68 tuổi không thể ngồi yên chờ tin tức từ các đội cứu hộ. Bà đang tìm người cháu trai 50 tuổi bị tàn tật đã không thể bỏ chạy khi cơn sóng thần ập tới.

 
Tìm tung tích người thân trên những danh sách dán ở nơi công cộng - Ảnh: Reuters

Chị của bà, cũng là mẹ của người mất tích đã gởi hết hy vọng vào từng bước chân của bà.

Nhưng chỉ chuyện tìm lại được đúng nơi từng là nhà của họ đã là quá khó khăn. Trước mắt cụ Miura giờ đây là một biển bùn nhão đầy xe cộ nằm chỏng chơ và mảnh tường vụn vỡ.

“Hình như đây là miếng đất của chúng tôi. Đó là một ngôi nhà lớn”, bà lẩm bẩm. Không có bất kỳ một dấu hiệu nào về sự tồn tại của đứa cháu tàn tật… Bà lê từng bước chân quay lại khu tập trung, không biết phải nói gì với người em.

Nơi đáng sợ để sống

Kensen trông không khác gì một thị trấn ma sau khi cơn sóng dữ quét qua. Trông chốt lát, cao ốc, nhà xưởng, xe cộ bị quét sạch ra biển, để lại những đống vụn vỡ ngổn ngang, những con tàu đồ sộ bị quăng vào đất liền, những đống bùn nhão tràn khắp nơi...

 
Người đàn ông này đang cố vượt qua những con đường đầy bùn, nước để tìm tung tích người thân - Ảnh: Reuters

Miyuki Kanno lái xe đạp chạy giữa những con đường đầy bùn và ngập nước để tìm người thân. Kanno quả quyết: “Quê hương thì vẫn cứ mãi là quê hương. Nó sẽ được xây dựng lại”.  Anh này đoán sẽ mất chừng 20 năm để dựng lại một Kensen khác.

Nhưng ở Ofunato, cụ già 72 tuổi Keiichi Nagai thì không lạc quan như Kanno. Đứng giữa đống đổ nát hoang tàn, cụ cứ lẩm bẩm: “Chẳng còn gì hết. Tất cả đã biến mất. Dân cư chỉ còn lại một nửa. Nơi này thật đáng sợ để có thể tiếp tục sống. Có thể một cơn sóng thần khác lại ập đến. Tôi sẽ không dám sống ở đây nữa…”.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.