“Địa chấn” gián điệp ở Tập đoàn Renault

08/01/2011 23:18 GMT+7

Việc 3 lãnh đạo cao cấp bị đình chỉ nhiệm vụ hồi tuần trước vì nghi án gián điệp làm rúng động tập đoàn xe hàng đầu nước Pháp Renault.

Trong một tài liệu do WikiLeaks vừa công bố, Giám đốc hãng OHB Technology Berry Smutny của Đức cho rằng “Pháp là đế chế của những vụ trộm cắp công nghệ”. Thậm chí hậu quả từ những vụ gián điệp công nghiệp tại Pháp còn tai hại hơn ở Nga hay Trung Quốc. Vài năm qua, xảy ra một số vụ khá đình đám như “cô thực tập sinh Trung Quốc” làm tay trong ở công ty sản xuất thiết bị xe hơi Valeo năm 2005 hay vụ một kỹ sư của hãng sản xuất lốp xe Michelin muốn bán thông tin mật cho đối thủ vào năm 2007… Tuy nhiên, mức độ thiệt hại và tầm ảnh hưởng của những vụ này kém xa “cơn địa chấn” ở Renault, một khi mọi chuyện được xác quyết minh bạch. Thông tin mới nhất từ nhật báo Le Figaro cho thấy có thể 3 nghi can đã tuồn tài liệu cho các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc.

 
Không thể chấp nhận những phát minh được chi trả bằng tiền thuế của người Pháp lại lọt vào tay kẻ khác - Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Eric Besson

Mẻ lưới toàn “cá mập”

Chưa bao giờ xảy ra việc 3 người bị đình chỉ nhiệm vụ cùng một ngày trong các nghi án gián điệp công nghiệp. Lại càng khó tưởng tượng hơn khi cả ba đều là những lãnh đạo cao cấp của một “đại gia” ngành sản xuất xe hơi của Pháp. Vậy mà “đùng một cái” mọi thứ đều là sự thật khiến 54.000 nhân viên hãng Renault đóng tại Pháp choáng váng. Một người phát biểu trên Le Figaro: “Chúng tôi có cảm tưởng như đang gặp phải ác mộng và hy vọng mau mau thức giấc”.

Hôm 3.1, ngay tại trung tâm kỹ thuật của Renault ở Guyancourt, ngoại ô phía tây Paris, các nhân viên an ninh đã yêu cầu 3 vị lãnh đạo rời khỏi phòng làm việc và không được quay lại trước khi có quyết định mới, đồng thời niêm phong toàn bộ tài liệu, máy tính, theo Le Figaro. Bình thường, 3 nghi can này là những người có quyền lực rất lớn và là cột trụ trong kế hoạch sản xuất xe hơi điện của hãng Renault.

“Lẫy lừng” nhất là Giám đốc dự án và kinh phí Michel Balthazard, một trong 27 thành viên của Ban giám đốc Renault, theo tờ Le Parisien. Đơn vị của ông là trung tâm chiến lược của hãng vì chịu trách nhiệm phác thảo kế hoạch cho những mẫu xe, dòng xe mới. Với thâm niên làm việc hơn 30 năm, ông Balthazard từng đứng đầu nhiều bộ phận khác nhau của Renault và là người lèo lái việc phát triển dòng xe Laguna 3 cho đến hết năm 2005. Người thứ hai là Matthieu Tenenbaum, làm việc tại Renault từ năm 1997 và là Phó giám đốc Chương trình xe hơi điện. Tại triển lãm xe hơi thế giới gần đây nhất tại Paris, ông là người giới thiệu xe hơi điện loại nhỏ Twizy của hãng này. Người cuối cùng là Bertrand Rochette, cánh tay mặt của ông Balthazard, chịu trách nhiệm nghiên cứu và nắm rõ thông tin về những kỹ thuật tối tân của Renault.

Như vậy, nhiều khả năng 3 lãnh đạo này cùng liên kết để bán thông tin mật của Renault cho các đối thủ. Ai và mục đích nào đã khiến cho những người quyền cao chức trọng, lương tháng cao ngất ngưởng lại để tay nhúng chàm? Tờ Le Figaro hôm 7.1 dẫn nguồn tin riêng từ nội bộ hãng Renault cho biết thông tin bị tuồn ra ngoài liên quan đến pin và động cơ của những dòng xe hơi điện dự kiến lưu hành trên thị trường từ năm 2012. Có thể 3 nghi can đã bán các sáng chế chưa được đăng ký của hãng này cho một hoặc nhiều trung gian chuyên buôn bán bí mật kinh tế. Đích đến của những thông tin mật này là một công ty Trung Quốc.

Tờ Le Monde dẫn lời Giám đốc pháp lý Christian Husson giải thích về quyết định tạm đình chỉ những nhân vật cao cấp: “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi bây giờ là bảo vệ bằng mọi giá những tài sản trí tuệ, kỹ thuật và chiến lược. Cuộc điều tra từ nhiều tháng qua đã giúp chúng tôi thu thập chứng cớ cho thấy họ có những hành động trái với đạo đức nghề nghiệp và gây rủi ro cho hãng”. Renault tuyên bố hôm 6.1 sẽ đưa vụ việc ra tòa.

Mức độ nghiêm trọng và tầm ảnh hưởng của vụ gián điệp công nghiệp này lớn đến mức theo BBC, Phủ Tổng thống Pháp đã yêu cầu cơ quan mật vụ vào cuộc điều tra. Trong khi đó, trên Đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Công nghiệp Eric Besson nhìn nhận: “Cụm từ chiến tranh kinh tế đôi khi được dùng một cách cực đoan, nhưng nó phù hợp trong trường hợp này. Vụ Renault thật sự nghiêm trọng và một lần nữa cho thấy nguy cơ gián điệp đối với các công ty của chúng ta”. Ngoài ra, ông Besson cũng yêu cầu Bộ Kinh tế nghiên cứu việc bắt buộc các công ty được Nhà nước trợ vốn tăng cường biện pháp an ninh vì “không thể chấp nhận những phát minh được chi trả bằng tiền thuế của người Pháp lại lọt vào tay kẻ khác”.

Giá xe hơi điện trên thị trường quốc tế

Do số lượng sản xuất chưa nhiều và giá pin chuyên dụng khá đắt nên giá xe hơi điện vẫn còn cao. Bù lại rất nhiều nước đang có chương trình khuyến khích sử dụng "xe xanh" rất hấp dẫn. Mẫu xe Leaf vừa ra mắt tại Nhật có giá khoảng 33.300 euro, sau khi được trợ giá "không thải CO2" thì còn khoảng 26.500 euro. Giá tại Mỹ của Leaf là 32.780 USD nhưng sẽ được chính phủ hỗ trợ vì "thân thiện với môi trường" 7.500 USD. Nếu khách hàng là công dân bang California thì được "hưởng" thêm 5.000 USD của bang nữa.

Xe hơi điện “tăng nhiệt”

Đối với Renault, ảnh hưởng của vụ này lại càng trầm trọng hơn vì ngoài việc bị những thành viên chủ chốt phản bội, xe điện chính là dự án quan trọng bậc nhất cho kế hoạch phát triển của họ. Renault hy vọng sẽ cùng với Công ty liên doanh Nissan của Nhật Bản trở thành quán quân ở thị trường xe hơi điện thế giới trong thời gian sắp tới và làm nên “cú hích” ngoạn mục như Toyota với dòng xe hybrid Prius.

Thị phần xe điện vào năm 2020 được Renault dự đoán sẽ chiếm 10% doanh số xe hơi toàn cầu. Số vốn đầu tư ban đầu đang được Renault cụ thể hóa thành hàng loạt phát minh. Tại Pháp, PSA Peugeot Citroën và Renault đang là hai hãng có số bằng sáng chế được công nhận nhiều nhất hằng năm, lần lượt là 1.265 và 906 bằng trong năm 2009. Cho đến nay, riêng về xe hơi điện, Renault đã có hơn 200 bằng sáng chế. Năm 2011, khoảng 1.700 kỹ sư sẽ làm việc cho chương trình xe “không khí thải” này tại Trung tâm Kỹ thuật Guyancourt.

Tổng cộng, Renault-Nissan đã đầu tư 4 tỉ euro cho chiến lược xe hơi điện. Trong đó, riêng việc nghiên cứu pin chuyên dụng đã chiếm 1,5 tỉ euro vì đây chính là mấu chốt thành công. Điểm còn hạn chế hiện nay ở các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện là pin cồng kềnh và thời gian sử dụng ngắn nên hãng nào chế tạo được pin gọn, năng lượng cung cấp đủ cho những đoạn đường dài thì chắc chắn sẽ thắng lớn. Nissan đang phối hợp với Công ty NEC (Nhật) để cùng sản xuất pin cho xe hơi điện.

Đang nối gót Renault-Nissan trong việc nghiên cứu pin là nhóm các nhà sản xuất Trung Quốc, với vốn đầu tư 1,36 tỉ euro, theo báo cáo của Văn phòng Roland Berger. Trung Quốc đã khởi động chương trình phát triển xe hơi điện quy tụ 16 hãng trong nước, dự tính sẽ đầu tư 15 tỉ USD trong 10 năm.

Ngày 20.12.2010, Nissan Leaf, dòng xe “không khí thải” đầu tiên của bộ đôi Nhật-Pháp đã được bán tại thị trường Nhật và ngay sau đó cũng ra mắt tại Mỹ. Nissan Leaf sẽ có mặt tại châu u trong năm 2011. Giám đống điều hành Liên doanh Renault-Nissan Carlos Ghosn tự hào giới thiệu đây là loại xe sử dụng điện 100%, hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường và sẽ “giới thiệu một bộ mặt khác về xe hơi”, theo Le Figaro. Renault dự tính sẽ tiếp tục giới thiệu 4 dòng xe hơi điện khác trong giai đoạn 2011-2012: xe chuyên dụng Kangoo, xe gia đình Fluence và hai kiểu xe nhỏ gọn Zoé, Twizy. Mục tiêu của Renault-Nissan là sản xuất 500.000 xe hơi điện/năm vào năm 2013.

Với dòng xe Nissan Leaf, hiện đã có 7.000 đơn đặt hàng tại Nhật và 20.000 tại Mỹ.

Nissan cho biết sẽ sản xuất được khoảng 10.000 chiếc vào cuối tháng 3.2011. Khi chạy hết công suất, nhà máy của hãng này tại Oppama, gần Tokyo có thể hoàn thành 50.000 chiếc/năm. Nissan Leaf sẽ được lắp ráp ở Mỹ năm 2012 và ở Anh năm 2013.

Renault-Nissan đang có những bứt phá ngoạn mục về nghiên cứu, sản xuất xe hơi điện nên nguy cơ những đối thủ cạnh tranh thiếu lành mạnh muốn “đi tắt đón đầu” bằng gián điệp công nghiệp là khó tránh khỏi.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.