Các số liệu thống kê cho thấy 2/3 trên tổng dân số 53 triệu người Myanmar không thể tiếp cận điện lưới quốc gia, đa số ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng giờ đây điện mặt trời đang dần thay đổi cuộc sống hàng ngàn người dân ở nông thôn.
Từ bỏ ngọn nến
Người dân làng Nyaung Kone ở miền trung Myanmar từ nay không phải sống trong nỗi lo cháy nhà do thắp nến hằng đêm, vì hiện mỗi hộ đều có hai tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. “Trước đây, tôi phải chi 200 kyat (0,15 USD) mỗi đêm mua nến thắp sáng cho con trai học bài mà nơm nớp lo hỏa hoạn. Bây giờ tôi không phải tốn tiền mua nến và có thể làm việc vào ban đêm”, nông dân Than Than Sint (44 tuổi) chuyên trồng đậu phộng cho biết. Bà đang trả góp 63.000 kyat (46 USD) phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong vòng 10 tháng.
Đây là dự án của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Pact phối hợp các doanh nghiệp đưa điện đến hàng triệu người dân ở vùng nông thôn Myanmar từ đây đến năm 2020, theo Reuters. Hơn phân nửa dân làng Nyaung Kone mua hệ thống điện mặt trời từ chương trình này, sau đó trên 16 hộ gia đình khác mua thiết bị từ nhà cung cấp. Giai đoạn hai của dự án, nếu tìm được nguồn tài trợ, Pact sẽ phát triển lưới điện mặt trời mini đủ cung cấp cho cả làng.
Trong nửa thế kỷ dưới thời chính quyền quân sự, gần 40.000 ngôi làng ở Myanmar không thể kết nối với lưới điện quốc gia. Thậm chí những khu vực có lưới điện quốc gia đi qua lại thường xuyên bị cúp điện vào mùa khô do Myanmar phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện. Vì thế, người dân phải tìm những nguồn năng lượng thay thế, theo nhận định của ông Chris Greacen, cố vấn hệ thống điện độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan phát triển Đức GIZ ở Myanmar.
Theo đó, khoảng 178.000 gia đình dùng bánh xe nước để tạo ra điện, 945.000 hộ dùng điện mặt trời và 1 triệu người dùng máy phát điện chạy bằng diesel, theo thống kê của chính phủ Myanmar năm 2014. Nhưng việc vận hành máy phát điện khá đắt đỏ. Pact cho biết chi phí một giờ dùng máy phát điện ở vùng nông thôn Myanmar tương đương 24 giờ dùng lưới điện quốc gia ở TP.Yangon. Dù vậy, máy phát điện quá phổ biến nên vẫn còn nhiều người sẵn sàng chi tiền, các chuyên gia cho biết. Theo thống kê của WB, gần 4,5 triệu hộ gia đình ở Myanmar chi trên 200 triệu USD hằng năm mua nến, dầu hỏa, pin và dầu diesel để có ánh sáng sinh hoạt.
Giải pháp tối ưu
Các chuyên gia nhận định các dạng năng lượng thay thế như điện mặt trời và lưới điện mini là giải pháp tối ưu trong lúc người dân đợi lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar nhiều năm qua vẫn tiếp tục tập trung phát triển thủy điện quy mô lớn, nhà máy nhiệt điện than và khí đốt, mà theo giới phê bình là sẽ hủy hoại môi trường và chi phí xây dựng tốn kém.
Năng lượng thay thế dễ dàng lắp đặt, vừa sạch lại rẻ hơn nhưng vẫn chưa thu hút sự chú ý và hỗ trợ tối đa từ chính phủ Myanmar, theo Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng thay thế Myanmar, ông Aung Myint. Theo kế hoạch phát triển năng lượng giai đoạn 2012 - 2030, chính phủ Myanmar cắt giảm tỷ trọng thủy điện từ 70% xuống 57%, nhiệt điện khí đốt từ 28% xuống 8%. Nhiệt điện than lại tăng từ 2% lên gần 30%, nhưng điện mặt trời thì chỉ tăng từ 0% lên 5%, một con số mà giới chuyên gia đánh giá là khá khiêm tốn đối với nguồn năng lượng thay thế.
Còn trong kế hoạch Điện hóa quốc gia (NEP) được đánh giá là đầy tham vọng và khó thực hiện, chính phủ Myanmar đặt mục tiêu mang điện đến tất cả người dân vào năm 2030 và tập trung vào việc mở rộng lưới điện quốc gia. WB cho Myanmar vay 400 triệu USD để thực hiện NEP, với điều kiện nguồn vốn này không được dùng để phát triển dự án nhiệt điện than hay thủy điện. Trong khuôn khổ NEP, gần 500.000 hộ gia đình có thể được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống lưới điện mini, chính phủ hỗ trợ 90% chi phí, nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu của hàng ngàn ngôi làng. Do vẫn còn nhiều hạn chế về chính sách hỗ trợ nên các nhà đầu tư không dám nhảy vào thị trường năng lượng thay thế ở Myanmar, theo Reuters.
Nông dân Myint Maung (58 tuổi, ở làng Aung Thar) cho hay ông nghe nói điện lưới quốc gia sẽ đến đây vào năm tới, nhưng mỗi hộ phải bỏ ra 400.000 kyat (294 USD), gấp 6 lần chi phí lắp điện mặt trời của Pact, chưa kể tiền điện phải trả hằng tháng. “Tôi không đủ tiền để vào điện quốc gia. Tôi sẽ tiếp tục dùng điện mặt trời”, ông Myint Maung chia sẻ.
Bình luận (0)