Điệp viên nắm giữ bí mật vụ ám sát Kennedy

30/07/2017 09:35 GMT+7

Từng làm việc cho chính quyền Cuba nhưng sau đó lại trở thành nhân viên CIA, nữ điệp viên June Cobb nắm giữ bí mật chưa từng công bố về vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy.

John F.Kennedy (JFK), tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, bị ám sát vào ngày 22.11.1963. Gần 30 năm sau, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật sưu tập hồ sơ vụ ám sát JFK năm 1992. Bộ sưu tập này lưu giữ hơn 5 triệu trang tài liệu, hình ảnh, băng ghi âm... liên quan đến vụ ám sát chấn động thế giới và được cất giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia. Hầu hết những tài liệu này đều là nguồn có thể tiếp cận, nhưng một số chứa đựng những bí ẩn mà cơ quan này phải giữ kín trong nhiều năm vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, theo đạo luật năm 1992, những tài liệu này phải được công bố sau 25 năm và thời hạn đó rơi vào ngày 26.10 năm nay. Trong số 3.600 tài liệu sắp được giải mật có một hồ sơ dày 221 trang được giới nghiên cứu về vụ ám sát năm 1963 đặc biệt chú ý. Đó là tập tài liệu có tên “Thư mục về Cobb, Viola June (tập 7)”, lưu trữ những thông tin liên quan đến nữ điệp viên người Mỹ từng làm việc trong chính quyền của nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro và nắm giữ những manh mối liên quan đến hung thủ ám sát JFK.
Nữ điệp viên quyến rũ
Sinh tại TP.Ponca, bang Oklahoma năm 1927, cô gái có tên khai sinh Viola June Cobb bỏ dở việc học tại ngôi trường ở quê nhà để đến thủ đô Mexico City (Mexico) tìm kiếm những trải nghiệm mới vào năm 23 tuổi. Cô làm quen với một sinh viên người Colombia khi học đại học tại đây và sau đó bị "dụ dỗ" đến khám phá vùng rừng núi ở Ecuador, nơi anh chàng này muốn gầy dựng cơ sở trồng và sản xuất thuốc phiện, được cho là không bị cấm tại Ecuador thời điểm đó. Tuy nhiên, nhiều tháng sau, Cobb rời khỏi đất nước này vì người yêu ngày càng sa vào nghiện ngập và có bạn gái khác. Theo cây bút điều tra nổi tiếng Jack Anderson, từng đoạt giải báo chí Pulitzer, cô Cobb sau khi về Mỹ đã khai báo toàn bộ thông tin về gã bạn trai cho những đặc vụ chống ma túy tại Mỹ.
June Cobb vào tháng 8.1962 (ảnh trái) và bức ảnh chụp với dân địa phương tại Ecuador Ảnh: Parade Magazine
Tuy nhiên, cũng từ đó mà cơ duyên lại tìm đến và giúp cô tham gia vào chính quyền Cuba sau này. Thời điểm nhà lãnh đạo Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959, Cobb đang là phóng viên tại New York và cảm thấy phấn khích bởi cuộc cách mạng ở Cuba. Trong những chuyến đi đến New York của Fidel sau đó, bà Cobb được gặp mặt ông và cuối cùng được mời đến Havana làm thông dịch viên cho nhà lãnh đạo này, đồng thời xử lý việc liên lạc của ông với các hãng tin Mỹ, nhờ khả năng nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát. Văn phòng nơi bà Cobb làm việc chỉ cách văn phòng lãnh đạo Fidel chỉ vài trăm mét, và báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho thấy bà gặp mặt ông rất thường xuyên. Theo mô tả của nhân viên CIA đã trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng bà Cobb, bà là người phụ nữ thích khám phá, không sợ chết khi sẵn sàng đến Cuba để làm công việc nguy hiểm.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều đoạn đặc biệt mô tả về vẻ ngoài cuốn hút của nữ điệp viên có đôi mắt xanh hút hồn này. “Cô Cobb không phải là người không quyến rũ. Cô có mái tóc vàng, khuôn mặt thon dù có một nét gì đó hơi khó nhìn, khiến cô có vẻ lớn hơn so với tuổi 33”, báo cáo của CIA mô tả. Trong một đánh giá khác không ghi rõ ngày, bà Cobb được cho là có khuôn mặt mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ và cuốn hút. Và vị trí của bà Cobb vào thời điểm đó được cho là một công cụ quan trọng giúp CIA có thể dễ dàng khai thác thông tin. Những tài liệu đã được giải mật của CIA trước đây cho thấy thông tin mà bà Cobb thu thập rất có giá trị cho việc chuẩn bị hồ sơ về tâm lý của nhà lãnh đạo Fidel và những phụ tá, cũng như việc theo dõi hoạt động của giới lãnh đạo Cuba. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi lọt vào vị trí có thể tiếp cận với giới lãnh đạo ở Havana, bà Cobb lại cảm thấy không còn đồng điệu với cuộc cách mạng Cuba, đặc biệt là khi lãnh đạo Fidel ngày càng có thái độ chống Mỹ và xích lại gần Liên Xô.
Bí mật về hung thủ
Cobb được CIA tuyển dụng làm điệp viên từ năm 1960 và theo bản mô tả của người tuyển dụng, cô “đã trải qua nhiều sức ép cảm xúc và không còn chắc rằng phong trào cách mạng từng thúc đẩy lý tưởng của mình vài tháng trước là điều đúng đắn”.
Khi lựa chọn con đường tình báo, bà biết rõ những nguy hiểm đối với tính mạng, đặc biệt từ sau khi ông William Morgan, một người Mỹ chiến đấu cùng quân đội của lãnh đạo Fidel trong cuộc cách mạng, bị Cuba buộc tội phản bội vào năm 1961. Ngay sau khi ông Morgan bị bắt, bà Cobb rời Cuba và được CIA điều đến Mexico City, làm nhiệm vụ theo dõi hoạt động của điệp viên Cuba và những người ủng hộ. Cũng chính tại đây, bà Cobb đã tham gia vào chiến dịch theo dõi Lee Harvey Oswald, kẻ ám sát JFK, và phát hiện những đầu mối liên quan đến vụ án chấn động này.
Theo những hồ sơ đã được giải mật, bà Cobb báo cáo với cấp trên của mình tại Mexico vào tháng 10.1964 rằng nguồn tin người Mexico của bà tiết lộ từng nhìn thấy Oswald dự một bữa tiệc có mặt các quan chức ngoại giao Cuba và những người công khai ủng hộ việc sát hại tổng thống Mỹ vào cuối tháng 9.1963, vài tuần trước vụ ám sát. Nghi vấn được đặt ra từ báo cáo của bà Cobb là liệu Oswald có gặp điệp viên Cuba và Liên Xô tại Mexico và chịu tác động từ những người này để sát hại Kennedy, nhằm trả đũa âm mưu lật đổ chính quyền Cuba mà CIA và chính quyền JFK đã âm thầm thực hiện hay không; và liệu Oswald có được dọn đường tị nạn ở Cuba hoặc Liên Xô sau khi ra tay.
Báo cáo của bà Cobb bị cấp trên tại CIA bác bỏ hoàn toàn. Nguồn tin quan trọng của bà là nhà văn người Mexico Elena Garro sau đó cũng trả lời tương tự trong cuộc thẩm vấn với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhưng cũng bị CIA cho là không đáng tin. Mọi đầu mối mà nữ điệp viên đưa ra đều không bao giờ được theo dấu. Nguyên nhân chính là CIA khi đó muốn che giấu việc cơ quan này đã theo dõi Oswald từ trước và không khai báo cho Ủy ban Warren (cơ quan được Tổng thống Lyndon Johnson lập ra để điều tra về vụ ám sát) vì sợ bị đổ tội đã không ngăn chặn được hành động của hung thủ. Theo báo cáo năm 2013 của sử gia David Robarge thuộc CIA, giám đốc cơ quan tình báo này vào thời điểm đó là ông John McCone đã khai với Ủy ban Warren trong cuộc điều trần rằng không có bằng chứng cho thấy Oswald liên quan đến âm mưu của tổ chức trong và ngoài nước nào. Cuối cùng, kết luận của Ủy ban Warren vào năm 1964 đúng với ý đồ của CIA rằng Oswald hành động một mình với động cơ chưa xác định và không có âm mưu nào đằng sau cái chết của JFK.
Chiến dịch che giấu thông tin của CIA còn được chứng minh vào cuối những năm 1970 khi cơ quan này từ chối giúp các nhà điều tra của Ủy ban Hạ viện Mỹ về các vụ ám sát (HSCA) tìm bà Cobb để thẩm vấn về những chuyện đã xảy ra trong thời gian Oswald ở Mexico. Những điều mà bà Cobb biết về vụ ám sát JFK vẫn còn là bí mật vì cho đến nay và tung tích về bà đã hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, những bí mật có thể được hé lộ trong thời gian sắp tới sau khi những tài liệu của bà Cobb và của nhiều cơ quan khác liên quan đến vụ ám sát được công bố vào tháng 10 năm nay (nếu Tổng thống Donald Trump không ngăn chặn việc công bố vì lý do an ninh quốc gia). Khi đó, có thể lịch sử về vụ ám sát JFK sẽ được viết lại theo nội dung hoàn toàn khác.
Nghi vấn Lee Harvey Oswald liên quan KGB
Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ ngày 24.7 công bố 3.810 tài liệu trong bộ hồ sơ liên quan đến vụ sát hại JFK, trong đó bao gồm một số bản ghi nhớ và đoạn ghi âm các cuộc phỏng vấn của CIA với cựu điệp viên Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) Yuri Nosenko. Người này đào ngũ sang Mỹ vào tháng 1.1964 và khai với CIA rằng ông ta là người phụ trách hồ sơ của KGB về Lee Harvey Oswald khi cựu lính thủy đánh bộ Mỹ này sinh sống tại Liên Xô từ năm 1959 - 1961. Nosenko khẳng định KGB đã theo dõi Oswald nhưng không tuyển dụng người này. Dù CIA và FBI sau đó không cho rằng Liên Xô có vai trò trong vụ ám sát JFK nhưng Nosenko bị biệt giam trong 3 năm (1964 - 1967) vì bị nghi là điệp viên do Liên Xô cài cắm. Ông được miễn tội vào năm 1969 và qua đời năm 2008.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.